Theo các quy định trong Hiệp ước Maastricht của Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên phải giữ thâm hụt ngân sách không vượt 3% GDP và nợ công không cao hơn 60% GDP.

Dự báo, nợ công của Tây Ban Nha sẽ ở mức đỉnh 101,13% GDP vào năm 2015 và sau đó sẽ giảm nhẹ xuống còn 101,09% GDP trong năm 2016, so với khoảng 94,2% GDP vào cuối năm nay. Nợ công của Tây Ban Nha đã tăng vọt từ mức 40,2% GDP trong năm 2008 - thời điểm bong bóng bất động sản vỡ đẩy nước này lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - lên 85,9% GDP vào cuối năm 2012.

Mặt khác, ngày 16/12, "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại bày tỏ lạc quan khi đưa ra đánh giá cuối cùng đối với hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha và cho rằng Tây Ban Nha đã vượt qua được những vấn đề nghiêm trọng trong ngành tài chính của mình. Tuy nhiên, ba định chế cho vay cảnh báo rằng chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải tiếp tục theo dõi khả năng thanh toán của các ngân hàng trước những rủi ro từ khủng hoảng và giá nhà ở giảm mạnh.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cũng đã tuyên bố nền kinh tế nước này đã chính thức thoát khỏi suy thoái kéo dài hai năm qua.

Với mức tăng trưởng tuy còn khiêm tốn 0,1% trong quý Ba vừa qua, lần đầu tiên GDP của Tây Ban Nha đã chấm dứt chuỗi suy giảm chín quý liên tục.

Mới đây, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố các cải cách và gói biện pháp khắc khổ mà chính phủ thi hành đã mang lại hiệu quả. Tây Ban Nha sẽ không cần kéo dài gói cứu trợ quốc tế dành cho hệ thống ngân hàng nước này đến năm 2014./.

Nguồn tham khảo: http://www.vietnamplus.vn/tin-hieu-lac-quan-tu-he-thong-ngan-hang-tay-ban-nha/235543.vnp

http://www.vietnamplus.vn/no-cong-cua-tay-ban-nha-cham-muc-cao-ky-luc-moi/235681.vnp