Nguyên nhân của vấn đề này lại không phải do tác động từ tình hình chính trị đang bất ổn hiện nay của Thái Lan, mà việc xuất khẩu giảm sút và suy thoái kinh tế toàn cầu mới là những nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị đầu tư vào Thái Lan.

Những nhân tố này cũng có ảnh hưởng tiêu cực tới việc mở rộng kinh doanh của khu vực tư nhân. BOI dự kiến, năm 2014, giá trị đầu tư vào Thái Lan cũng chỉ đạt khoảng 900 tỷ baht.

Dịch vụ và tiện ích công cộng sẽ là những ngành công nghiệp có giá trị đầu tư cao nhất trong năm 2013, sau đó là sắt thép, máy móc, thiết bị vận tải. Nhật Bản vẫn là nhóm nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Thái Lan.

Theo thống kê, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản rất quan tâm đầu tư thêm vào Thái Lan. Trong ba quý của năm 2013, BOI đã cấp phép cho 351 dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với giá trị lên tới hơn 19 tỷ baht.

Những dự án này chủ yếu liên quan tới các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất thiết bị và phụ tùng thay thế cho các ngành công nghiệp lớn tại Thái Lan, đặc biệt là công nghiệp xe hơi.

Chính sách đầu tư mới của Thái Lan sẽ được thực hiện từ 2014-2017, trong đó tập trung vào những ngành công nghiệp tri thức, nghiên cứu và phát triển. Chính sách này cũng sẽ tập trung tạo ra sự cân bằng trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở Thái Lan.

Như vậy, tình hình kinh tế của Xứ sở chùa Vàng năm nay không được khả quan bởi nhiều yếu tố tác động. Trước đó, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng cho biết, từ đầu tháng 11 tới nay, ngành du lịch đã thất thu tới 80 triệu USD bởi bạo động xảy ra.

Theo báo cáo tình trạng kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, Thái Lan được xếp hàng 18 thế giới và đứng thứ 6 trong châu Á. Trong số các nước ASEAN, Thái Lan xếp sau Singapore và Malaysia./.

Nguồn tham khảo: Vietnamplus, vov, cafef