* Theo tờ IB Times ngày 29/11 cho biết, t lệ thất nghiệp của Eurozone trong tháng 10 đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011, và tỷ lệ lạm phát trong tháng 11 đã được cải thiện nhẹ.

Khu vực đồng euro đăng ký tỷ lệ thất nghiệp là 12,1% trong tháng 10, giảm từ 12,2% trong tháng 9, nhưng lại tăng từ 11,7% được ghi trong cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích đã dự đoán tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức như trong tháng 9. So với tỷ lệ thất nghiệp của EU là 10,9%, ổn định so với một số điều chỉnh giảm trong tháng 9, nhưng tăng so với tỷ lệ 10,7% trong tháng 10 năm 2012 .

Số lượng người bị thất nghiệp trong khối EU vào tháng 10 là 26.650.000, trong đó có 19,3 triệu người ở trong khu vực đồng euro. So với tháng 9, số lượng người thất nghiệp giảm 75.000 trong EU và 61.000 trong khu vực đồng euro .

Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất được ghi nhận ở Áo (4,8%) và Đức (5,2%), và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất đã được nhìn thấy ở Hy Lạp (27,3% trong tháng 8 năm 2013) và Tây Ban Nha (26,7%) .

* Nền kinh tế của Venezuela đang đứng trước bờ vực khó khăn. Theo hãng tin CNBC, ngay cả ngành dầu lửa, lĩnh vực được xem là phát triển thịnh vượng nhất của Venezuela, cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Vì thế, ngành dầu lửa cũng không thể đủ sức tạo doanh thu đủ để trang trải các chương trình trợ giá của Chính phủ nước này. GDP của Venezuela hiện ở mức gần 300 tỷ USD nếu được tính dựa trên tỷ giá hối đoái chính thức là 6,3 Bolivar tương đương 1 USD.

Tỷ lệ lạm phát của Venezuela vào tháng 10 cũng ở mức rất cao, cụ thể là 58,5%, tăng từ mức 21,4% vào cuối năm 2012. Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Venezuela đã mở rộng các biện pháp kiểm soát giá cả, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, cách làm này chỉ khiến tình hình thêm phần tồi tệ.

* Ngày 26/11, Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua dự thảo ngân sách "thắt lưng buộc bụng" mới trong bối cảnh hàng nghìn người biểu tình giận dữ tuần hành bên ngoài tòa nhà quốc hội. Dự thảo ngân sách năm 2014 - nhằm mục tiêu tiết kiệm 3,9 tỷ Euro (5,3 tỷ USD) thông qua việc cắt giảm lương và tiền trợ cấp hưu trí của khu vực công, đã được các nghị sỹ thuộc liên minh trung hữu cầm quyền, vốn chiếm 132/230 ghế quốc hội, bỏ phiếu ủng hộ bất chấp sự phản đối của phe cánh tả đối lập.

Theo thỏa thuận cứu trợ trị giá 78 tỷ Euro mà Bồ Đào Nha đạt được với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 5/2011, Lisbon đã phải ban hành một loạt biện pháp cải cách hà khắc để kiểm soát tài chính. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các biện pháp này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Bồ Đào Nha tăng lên mức kỷ lục 17,7% vào quý 1/2013.

* Trên trang CNBC, chiến lược gia trưởng Thomas Lee thuộc J.P. Morgan đã nhận định, trước kỳ vọng vào một tháng cuối năm đầy khởi sắc, có 3 sự kiện quan trọng mà thị trường Mỹ cần phải để tâm:

Một là, báo cáo việc làm tháng 11, đề xuất ngân sách và cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dự kiến được công bố vào ngày 06/12, bản báo cáo việc làm tháng 11 có thể quyết định kết quả của sự kiện được các thị trường xem là quan trọng nhất của tháng, đó là cuộc họp chính sách cuối cùng năm 2013 của Fed vào hai ngày 17 và 18/12 sắp tới.

Hai là, Quốc hội và vấn đề ngân sách liên bang sẽ trở thành tâm điểm của thị trường với kỳ vọng các quan chức tham gia cuộc đàm phán vào ngày 09/12 sẽ đạt được thỏa thuận ngân sách vào ngày 13/12. Được biết, ngân sách cho các hoạt động của Chính phủ sẽ cạn kiệt vào ngày 15/01.

Ba là, diễn biến của lợi suất, nhất là lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Trong ngày 27/11, chỉ báo này ở mức 2,74%. Lợi suất trái phiếu kho bạc được dự báo sẽ tăng cao nếu báo cáo việc làm tốt hơn kỳ vọng.

* Theo Bloomberg, kết thúc tháng 11, TTCK của Đông Nam Á chao đảo do ảnh hưởng của bão Haiyan ở Philippines, bạo động ở Thái Lan. TTCK Philippines giảm tổng cộng 6,3% trong khi TTCK Thái Lan và Indonesia mất ít nhất 5,8% sau khi tăng gấp 3 lần kể từ năm 2008. Tổng cộng có 1,98 tỷ USD rút ra khỏi 3 thị trường này trong tháng 11, khiến dòng vốn bị rút ra từ đầu năm lên tới 5,48 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay.

Đồng nội tệ ở các quốc gia này cũng lao dốc một cách thảm hại. Tháng 11, đồng Rupiah giảm 6,2% so với đồng Đô la Mỹ, xuống mức thấp nhất kể từ 2009. Đồng Baht mất 3,1% và đồng Peso giảm 1,2%.

* Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản đã tăng mạnh nhất trong vòng 15 năm qua nhờ vào giá năng lượng. Đây là dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Shinzo Abe đang đạt được tiến triển trong cuộc chiến chống giảm phát. Theo báo cáo vừa được công bố ngày 29/11, trong tháng 10, chỉ số giá cả của Nhật Bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống) đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá được hỗ trợ bởi đồng Yên suy yếu và giá điện đã tăng 22% so với tháng 3/2011 (khi thảm họa động đất khiến ngành điện hạt nhân của Nhật Bản phải đóng cửa).

Một báo cáo khác cho biết sản lượng công nghiệp tháng 10 tăng ít hơn dự báo. Bộ Thương mại Nhật Bản dự báo chỉ số này sẽ tăng trong 2 tháng 10 và 11./.