Quyết định bất ngờ

Ngày 28/9, OPEC đã nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ, trong một động thái bất ngờ nhằm giúp đẩy giá dầu đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Đây là quyết định không ai ngờ tới bởi các nhà giao dịch đều dự đoán OPEC sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì sản lượng để giữ thị phần mà nhóm này đã thực hiện suốt từ năm 2014 đến nay.

Theo đó, OPEC nhất trí hạn chế sản lượng dầu thô của khối ở 32,5-33 triệu thùng mỗi ngày, giảm so với 33,2 triệu thùng sản lượng của tháng 8. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải chờ đến ngày 30/11 tới mới có thể được hoàn tất trong phiên họp chính thức của OPEC. Có nghĩa là còn hai tháng nữa thỏa thuận này mới có thể được thực hiện.

OPEC nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ nhằm giúp đẩy giá dầu đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ

Chủ tịch OPEC Mohamed Salah Assada cho biết, một ủy ban kỹ thuật cấp cao sẽ được thành lập nhằm xác định những cơ chế giảm sản lượng cho mỗi nước. Kết quả công việc của ủy ban cấp cao này sẽ được thông báo tại cuộc họp chính thức của tổ chức này sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Vienna (Áo).
Mặc dù vậy, đây cũng là một bước tiến lớn của OPEC sau nhiều lần thất bại khi bàn về vấn đề cắt giảm sản lượng. Ngay trước cuộc họp này, những tuyên bố của Iran và Ả rập Xê út cho thấy sẽ khó có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu đi lên.

Những phản ứng trái chiều

Đây là quyết định mở ra triển vọng tươi sáng cho ngành năng lượng thế giới cũng như triển vọng của các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, từ những tập đoàn lớn như Exxon Mobil đến những công ty dầu đá phiến nhỏ hơn ở Mỹ hay những nước như Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thì đây lại không phải là tin vui vì chắc chắn trong thời gian tới giá dầu sẽ tăng.

Thái độ của Saudi Arabia cho thấy những nỗi đau kinh tế mà giá dầu thấp mang lại cho đất nước này đã vượt quá mức chịu đựng. Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đối mặt với thâm hụt ngân sách cao kỷ lục và đã đốt cháy một lượng lớn dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ. Đầu tuần này, Saudi Arabia vừa công bố cắt một nửa tiền thưởng của công chức nhà nước.

Trước mắt, ngoài việc bàn bạc về các chi tiết, OPEC cũng phải thuyết phục các nước sản xuất dầu bên ngoài nhóm (mà quan trọng nhất là Nga) hạn chế sản lượng. Tháng 9 vừa qua, Nga sản xuất 11,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng so với tháng 8.

Tuy nhiên cũng có một số hoài nghi về những cam kết mà OPEC vừa đạt được. “Một lần nữa OPEC cho thấy họ có thể điều khiển tâm lý của thị trường bằng những câu nói. Thực tế diễn ra như thế nào thì thời gian mới có thể cho chúng ta câu trả lời”, Bob McNally – người sáng lập hãng tư vấn The Rapidan Group nhận định.

Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11 đã tăng 2,72 USD, lên mức 48,69 USD/thùng, trong khi tại New York, giá dầu WTI cũng tăng 2,38 USD, lên mức 47,05 USD. Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư Mỹ, nhiều khả năng thỏa thuận nói trên sẽ chỉ có tác động hạn chế.

OPEC, hiện chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng dầu của thế giới, đã và đang chật vật trong việc ứng phó với tình trạng lao dốc của giá dầu. Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua, từ mức đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2015 xuống dưới 30 USD/thùng đầu năm 2016, trước khi phục hồi lên khoảng 45 USD/thùng hiện nay. Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, đã phản ứng trước thực trạng suy giảm nguồn thu từ dầu mỏ do giá dầu sa sút bằng cách tăng sản lượng lên các mức kỷ lục, thay vì sử dụng công cụ truyền thống là cắt giảm sản lượng./.