Thụy Sĩ giữ vị trí hàng đầu trên thế giới về năng lực cạnh tranh

Trong bảng xếp hạng Diễn đàn Kinh tế tế giới (WEF) về Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của 138 nền kinh tế công bố ngày 28/9 cho biết Thụy Sĩ giữ vị trí đứng đầu là nhờ nền kinh tế được hưởng lợi từ sự minh bạch của các cơ quan, tổ chức quốc gia, từ tính hiệu quả của thị trường lao động và hệ thống cơ sở vật chất tốt.

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn sở hữu một hệ thống giáo dục hàng đầu và khả năng sáng tạo tuyệt vời.

Với những nền tảng chắc chắn như vậy, quốc gia Bắc Âu này tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh từ năm 2007.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ

Ngày 28/9, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp kinh phí tạm thời (CR) nhằm tránh viễn cảnh Chính phủ Liên bang Mỹ phải “đóng cửa” lần đầu tiên kể từ năm 2013.

Kết quả này đạt được sau khi các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa nhất trí về gói cứu trợ nhằm giúp thành phố Flint của tiểu bang Michigan giải quyết cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt.

Với kết quả 72 phiếu thuận và 26 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật “bơm” kinh phí ngắn hạn nhằm giúp các cơ quan liên bang Mỹ duy trì hoạt động từ ngày 1/10 tới ngày 9/12.

WTO hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016

Với cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, ngày 27/9, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm nay, cụ thể giảm 1,1% từ mức 2,8% đưa ra trong dự báo hồi tháng Tư vừa qua xuống 1,7%.

Dự báo mới nhất này cũng giảm mạnh so với dự báo mức tăng trưởng "mơ ước" 3,9% mà các chuyên gia WTO thông báo cách đây một năm.

Tương tự, WTO cũng hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017, dao động trong khoảng từ 1,8% đến 3,1% so với dự báo 3,6% trước đó.

Theo WTO, căn cứ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm nay chỉ ở mức 2,6%, năm 2016 sẽ là năm chứng kiến tăng trưởng thương mại và sản lượng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

IMF chính thức đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ SDR mới

Theo Tân hoa xã, ngày 30/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ban hành giỏ tiền tệ quốc tế mới, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), trong đó bao gồm đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Đây được xem là "dấu mốc lịch sử" đối với Trung Quốc, IMF và cả hệ thống tiền tệ quốc tế.

Phát biểu tại thủ đô Washington của Mỹ, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho hay đây là "lần đầu tiên" trong lịch sử, giỏ SDR được mở rộng.

Bà Lagarde cũng cho rằng việc đưa nhân dân tệ vào giỏ SDR là "một bước quan trọng" trong việc hội nhập nền kinh tế Trung Quốc vào hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, đồng thời phản ánh những cải cách trong hệ thống tiền tệ, giao dịch ngoại tệ và tài chính của Bắc Kinh./.