Dấu mốc quan trọng

Ngày 30/11/2015, IMF đã bỏ phiếu thông qua việc đưa CNY trở thành đồng tiền dự trữ trong SDR. Động thái này là một bước đi lớn của cả Trung Quốc lẫn hệ thống tiền tệ thế giới.

Đây là kết quả sau nhiều năm phấn đấu của Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận quốc tế đối với đồng bản tệ. Rổ tiền tệ mới đã có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, vẫn chứng kiến đồng USD tiếp tục là đồng tiền lớn nhất với 41,73%, theo sau là Euro (30,93%), đồng CNY (10,92%), Yen (8,33%) và Bảng Anh GBP (8,09%). Đồng CNY sẽ trở thành đồng tiền lớn thứ ba trong rổ tiền tệ SDR, vượt qua cả đồng Yen và GBP.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, đồng thời là cựu quan chức IMF tại Trung Quốc, Eswar Prasad nhận định: “Đồng CNY được gia nhập Câu lạc bộ Dự trữ tiền tệ hàng đầu thế giới là một bước đi lớn đối với Trung Quốc và có ý nghĩa đối với hệ thống tiền tệ thế giới”.

Từ năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa CNY với nhiều biện pháp như thúc đẩy giao thương bằng CNY, tăng cường sử dụng CNY trong thanh toán quốc tế, tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng nội tệ… Tiến trình quốc tế hóa đồng CNY đã được đẩy mạnh đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2009 trở lại đây và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: thị trường đồng CNY bên ngoài Trung Quốc đã không ngừng được mở rộng và phát triển với tốc độ cao và chương trình thí điểm thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng đồng CNY tiếp tục được đẩy mạnh đã đưa CNY trở thành đồng tiền thanh toán nhiều thứ năm trên thế giới. Một số quốc gia như Nga, Nhật Bản, Belarus… đã chấp thuận sử dụng đồng CNY và đồng bản tệ trong thanh toán…

Trung Quốc được gì?

Sự có mặt của CNY là thay đổi mới nhất về cơ cấu của SDR kể từ năm 1999, sau khi đồng Euro thay thế Mark Đức và Franc Pháp năm 1999 trong rổ tiền tệ. Nó cũng đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng CNY - đồng tiền ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chỉ được giao dịch nội địa suốt nhiều năm.

Rổ tiền tệ mới đã có hiệu lực từ ngày 1/10/2016

Đằng sau sự đột phá mang tính lịch sử này là sự thừa nhận của hệ thống tiền tệ quốc tế về sức ảnh hưởng kinh tế và tài chính ngày một lớn của Trung Quốc. Trước mắt, việc đồng CNY được bổ sung vào SDR được kỳ vọng là sẽ tạo ra nhiều lợi ích quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, cụ thể: khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng nhu cầu mua CNY, giảm phụ thuộc vào USD, qua đó, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc gia nhập SDR còn có lợi cho việc tăng cường niềm tin của thị trường đối với đồng CNY, gia tăng mức độ sử dụng đồng CNY trên phạm vi quốc tế cả trên phương diện thanh toán công lẫn chi tiêu cá nhân. Đồng thời nó cũng là bước đi quan trọng giúp đồng CNY trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Quyết định của IMF sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn, đẩy mạnh việc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối của mình bằng cách mua trái phiếu Trung Quốc, chứ không chỉ tập trung vào đồng USD hay đồng Euro. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng trở nên tự tin hơn bởi, không gian chính sách ứng phó với biến động kinh tế sẽ được mở rộng sau khi đồng CNY gia nhập SDR, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Xét về trung hạn, cùng với việc các nước thành viên IMF gia tăng giữ vốn đồng CNY, đồng CNY ở nước ngoài sẽ được sử dụng tương đối thuận tiện, ngày càng phổ biến, người dân Trung Quốc ra nước ngoài du lịch, đầu tư sẽ không còn cảm thấy bất tiện về việc đổi tiền. Cùng với việc các tài khoản tài chính dần dần mở cửa, việc dùng đồng CNY đầu tư cổ phiếu, quỹ, công trái cũng sẽ tiện lợi hơn, việc quản lý tài sản của người dân có thể được bảo toàn giá trị và tăng giá trị tốt hơn thông qua phân phối toàn cầu.

Xét về dài hạn, nếu phạm vi thanh khoản tự do tiền vốn liên quốc gia mở rộng từ khu thương mại tự do như Thượng Hải hiện nay ra đến ngoài khu vực, sự giao động tỷ giá CNY đi theo hướng hợp lý và được công nhận, nền kinh tế có thể duy trì tăng trưởng ổn định nhằm bảo vệ sự tin cậy của thị trường vốn, vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ đi theo hướng tốt đẹp lâu dài. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc trước đây thường lo ngại vấn đề rủi ro về tỷ giá thì nay với sự khẳng định được vai trò của đồng CNY, các nước có nhu cầu thanh toán bằng đồng CNY tăng lên, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tham gia dễ dàng hơn vào việc định giá nhiều hàng hóa, tránh rủi ro về tỷ giá.

Một số vấn đề Việt Nam cần chú ý

Trung Quốc là nước có sự “gần gũi đặc biệt” với Việt Nam cả về địa lý và thương mại. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đứng đầu trong kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Việt Nam năm 2015 đạt 66,67 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2014. Trong đó xuất khẩu đạt 17,14 tỷ USD, còn nhập khẩu là 49,53 tỷ USD.

Do đó, việc đồng CNY vào giỏ tiền tệ Quốc tế sẽ có những ảnh hưởng nhất định với tình hình kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc CNY được đưa vào SDR sẽ khiến vị thế đồng tiền của Trung Quốc trên các thị trường tài chính được củng cố và có uy tín hơn, điều này chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam - vốn đang lệ thuộc nhiều vào nước này, thể hiện ở con số nhập siêu rất lớn.

Khi vào giỏ tiền tệ thế giới, CNY mạnh lên, Việt Nam nhập siêu nhiều nên sẽ càng “thiệt thòi”. Bởi lẽ đồng CNY mạnh lên, tức là Việt Nam sẽ phải nhập nguyên liệu đầu vào với giá càng cao. Thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc vốn đã lớn sẽ càng lớn thêm. Nếu Việt Nam tăng được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì Việt Nam mới được lợi nhiều hơn vì khi đó ngoại tệ quy đổi từ CNY cũng tăng lên.
Để tránh “thiệt thòi” do CNY mạnh lên, Việt Nam cần phải có biện pháp cân bằng thương mại với Trung Quốc. Trước hết phải nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế để từ đó nâng cao giá trị và sức mạnh của đồng tiền Việt Nam.

Hiện nay nguyên liệu đầu vào, phục vụ sản xuất của Việt Nam cũng đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, vừa để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vừa để tìm được thị trường nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý, chất lượng cao hơn.

Như vậy việc CNY được xếp vào giỏ thanh toán quốc tế ảnh hưởng đến Việt Nam tốt hay xấu là do Việt Nam ứng phó với động thái này ra sao./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=36934&print=true

http://nghiencuuquocte.org/2015/09/02/nhan-dan-te-tham-gia-gio-sdr/

http://www.phapluatplus.vn/nhan-dan-te-la-dong-tien-du-tru-imftac-dong-khong-lon-den-viet-nam-d1669.html