G20 cảnh báo những nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu

Phát biểu họp báo sau cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ), Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ - Chủ tịch luân phiên nhóm tài chính G20, nêu rõ những bất ổn và nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính thế giới bao gồm các cuộc bầu cử tại các nền kinh tế hàng đầu, sự kiện cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit, khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản, cũng như các nguy cơ địa chính trị và các cuộc tấn công khủng bố gia tăng.

Ông khẳng định các nền kinh tế G20 sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ sự phát triển, tăng cường phối hợp chính sách và thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc, hồi tháng trước.

Chủ tịch G20 đồng thời cảnh báo các nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu khi các nhà chính trị dân túy đẩy mạnh chủ trương chống toàn cầu hóa và thương mại tự do. Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ nhấn mạnh xu hướng chủ nghĩa dân túy phản đối toàn cầu hóa đã khiến các chính khách này thay đổi các khẩu hiệu tranh cử và nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cử tri. Theo ông, chủ nghĩa dân túy là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cùng với những cuộc xung đột địa chính trị và hệ thống tài chính mong manh.

Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Myanmar

Tổng thống Barack Obama ngày 7.10 tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp với Myanmar kéo dài 19 năm này vì "tình hình đã thay đổi rất nhiều nhờ việc Myanmar có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy nền dân chủ, bao gồm cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 11/2015".

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sau khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp, các lệnh cấm vận về kinh tế và tài chính đối với Myanmar mà Cục kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính thi hành, sẽ không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận không áp dụng đối với ít nhất 100 cá nhân và công ty do chính quyền quân đội Myanmar trước đây sở hữu, nhiều ông trùm buôn ma tuý và một số quan chức bị cáo buộc buôn bán vũ khí với Triều Tiên, theo BBC.

OPEC dự báo giá dầu sẽ giữ ở mức 50-60 USD mỗi thùng

Các nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo giá dầu sẽ giữ ở mức 50-60 USD/thùng, sau khi tổ chức này đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm.

Giá dầu ngọt nhẹ New York đã tăng khoảng 4 USD (9%) lên trên 48 USD/thùng, kể từ khi OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng hôm 28/9.

Theo các chuyên gia, dự báo của OPEC về giá dầu không có nhiều tham vọng trong bối cảnh các nước thành viên tổ chức này tỏ ra cẩn trọng và muốn chờ đợi diễn biến mới từ hoạt động khai thác dầu đá phiến trên thế giới.

IMF quyết định giữ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,1%

IMF đã quyết định giữ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,1% trong năm nay và 3,4% năm kế tiếp, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước cần có hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ tình trạng tăng trưởng thấp và việc bảo hộ thương mại.

Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của IMF công bố ngày 4/10, dự báo tăng trưởng toàn cầu 2 năm 2016 và 2017 được giữ nguyên so với mức mà thể chế tài chính này đưa ra trong báo cáo hồi tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên, IMF lại hạ mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, cho rằng toàn cảnh kinh tế của các quốc gia giàu có không mấy sáng sủa trong năm nay. Theo đó, các nền kinh tế phát triển sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,6%, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại có triển vọng khả quan hơn với mức tăng trưởng 4,2%. IMF cũng giữ nguyên hai mức dự báo này trong năm tới, lần lượt là tăng trưởng 1,8% và 4,6%./.