Ngày 14/11, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2013 (tháng 7 - tháng 9) tăng 0,5% so với quý trước, giảm 0,4% so với 0,9% trong quý trước. Tỷ lệ tăng trưởng năm trong quý III đạt 1,9%, cao hơn dự báo trung bình 1,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng năm vẫn thấp hơn đáng kể so với 3,8% trong quý II.

Đây là quý tăng trưởng dương thứ 4 liên tiếp, đánh dấu là thời gian cải thiện tốt cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong vòng 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, tiêu dùng cá nhân, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 60%) trong cơ cấu GDP của Nhật Bản, đạt tăng trưởng 0,1%, chậm hơn mức 0,6% của quý trước. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,6%, đầu tư kinh doanh tăng 0,2%.

Tuy nhiên, theo Junko Nishioka, kinh tế trưởng tại RBS Securities, không nên bi quan về triển vọng kinh tế Nhật Bản bởi "tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm nay".

Trước bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu bất ngờ cắt giảm lãi suất và chính sách kích thích kinh tế Mỹ đã gây tác động mạnh mẽ lên tỷ giá hối đoái của đồng Yên, chìa khóa nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, sự chia rẽ đã xuất hiện trong Hội đồng quản trị BOJ về việc liệu mục tiêu lạm phát 2%/năm trong hai năm sắp tới có thể được đảm bảo. Nếu Thống đốc Kuroda bày tỏ nghi ngờ về mục tiêu này, BOJ rất có thể sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ nhằm đáp ứng cam kết của mình.

Các nhà kinh tế học cho rằng, mục tiêu lạm phát 2% là không khả thi, trong điều kiện các nền kinh tế khác cũng đã đi chệch khỏi kịch bản dự báo lạc quan từ đầu năm của BOJ.

“Họ sẽ có những biện pháp nới lỏng thêm trong quý 3 sang năm”, kinh tế trưởng công ty chứng khoán Mizuho ông Yasunari Ueno cho biết.

Theo kịch bản của BOJ, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản có thể phải đối mặt với những rủi ro nếu nhu cầu từ các thị trường nước ngoài không tăng lên vào mùa xuân, thời điểm tiêu dùng trong nước sẽ bị ảnh hưởng từ việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có vài dấu hiệu đáng khích lệ. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm ít hơn mức dự kiến 2,4% trong quý 3, trong bối cảnh các thị trường mới nổi cũng đang gặp khó khăn./.