I/ Tài chính

  • Eurozone: Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ vừa qua, ở mức 12,2%, cao hơn mức dự báo của thị trường là 12%. Trong khi đó, chỉ số CPI của Eurozone giảm còn 0,7% ( mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009), cách xa mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB). Đồng Euro cũng giảm với biên độ mạng nhất trong 6 tháng so với đồng Đô la Mỹ. Bên cạnh đó, EU cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 xuống còn 1,1%, giảm so với mức dự báo 1,2% được đưa ra hồi tháng 5 vừa qua; đồng thời, EU cũng cảnh báo nhu cầu ở các thị trường mới nổi có thể không mạnh như dự báo và chiều hướng thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng. EU cũng kêu gọi Đức nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ Eurozone để đảm bảo tình hình ổn định tài chính.
  • Mỹ: GDP Quý 3 tăng 2,8%, cao hơn mức 2,5% của Quý trước cũng như dự báo của các nhà phân tích. Điều này cùng với việc giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương ECB đã khiến giá vàng trên thị trường New York giảm gần 20USD/ounce. Các nhà kinh tế kỳ vọng GDP năm nay sẽ tăng trưởng ít nhất 3% để giảm được 1% tỉ lệ thất nghiệp.
  • Trung Quốc: Công cuộc cải cách kinh tế lớn nhất sẽ được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Trung ương 3, khóa 18 diễn ra từ ngày 9-12/11 tại Bắc Kinh. Hội nghị được cho là sẽ mang đến một loạt quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính tiền tệ.
  • Indonesia: Phát hành trái phiếu samurai trong năm 2014 bằng đồng Yên Nhật theo chủ trương của Chính phủ. Việc này được thúc đẩy dựa trên kết quả khả quan của đợt phát hành trái phiếu năm 2012.
  • Hàn Quốc: Dự trữ ngoại hối tăng lên mức cao kỷ lục, đạt mức 343,23 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy Seoul quyết tâm ngăn không cho đồng Won tăng giá mạnh và chuẩn bị “vũ khí” để chống lại ảnh hưởng của việc FED cắt giảm gói nới lỏng định lượng QE3.
  • Venezuela: Tổng thống Nicolas Madiro, ngày 6/11 vừa qua đã công bố biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với chủ trương siết chặt kiểm soát hệ thống trao đổi ngoại tệ nhằm tối đa hóa lợi ích từ các khoản đầu tư nước ngoài.

II/ Chứng khoán

  • Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới của Mỹ ExxonMobil vừa thông báo tuy có giảm chút ít nhưng cả doanh thu và lợi nhuận của hãng trong Quý 3 vừa qua vẫn đạt mức cao hơn dự kiến của các chuyên gia, đạt 112,4 tỷ USD, cao hơn sự kiến 107,4 tỷ USD. Với mức lợi nhuận 7,87 tỷ USD, giá cổ phiếu XOM.N của ExxonMobil trong Quý tăng 1,79 USD, cao hơn mức dự kiến 1,77 USD
  • Black Bery từ bỏ kế hoạch bán mình cho công ty FairFax Financial. Thay vào đó BB tìm cách gây quỹ khoảng 1 tỷ USD để có thể tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, hãng cũng thay thế Giám đốc điều hành Thorsten Heins cùng một số thành viên trong ban lãnh đạo. Dưới sự điều hành của Heins, BB đã gặp không ít khó khăn. Trong phiên giao dịch ngày 4/11, giá cổ phiếu của BB sụt giảm 16% xuống còn 6,5USSD/cổ phiếu. Hạ giá trị thị trường của Công ty xuống còn 3,3 tỷ USD so với định mức 80 tỷ USD trước đó. Theo Bloomberg, Giá trị cổ phiếu BB bốc hơi 45% trong năm nay và thị phần smartphone phần lớn đã rơi vào Samsung và Apple.
  • Microsoft thu 2 tỷ USD mỗi năm từ bản quyền Android. Chuyên gia Sherlund nói rằng lợi nhuận của Microsoft trong khoản doanh thu kể trên lên đến 95%, nghĩa là số tiền họ nhận từ Android hầu hết là lãi ròng.
  • Hôm qua (7/11), Twitter chính thức lên sàn. Việc này khiến các nhà đầu tư ồ ạt mua vào cổ phiếu khiến nhiều nhà phân tích lo sợ sẽ có một đợt bong bóng dot-com khác bùng nổ trên thị trường. Giá cổ phiếu của Twitter tăng vọt 92% trong ngày, từ 26 USD (giá IPO) đến 45,10 USD và tiếp tục tăng lên 50 USD. Mặc dù vậy, ba chỉ số chính trên TTCK Mỹ vẫn tuột dốc mạnh. Cụ thể: Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 152,9 điểm (tương ứng giảm 0,97%-còn 593,98 điểm); Chỉ số S&P 500 giảm mạnh 23.34 điểm (tương ứng giảm 1,32 %- còn 1,747,15 điểm); Chỉ số Nasdaq composit tụt 74,61 điểm (tương ứng 1,9%- còn 3.857,33 điểm).

III/ Kinh tế ngành

  • Theo báo Wall Street Journal, hãng xe hơi lớn nhất Nhật Bản vừa thông báo mức lợi nhuận tăng vọt trong Quý 3/ 2013, đồng thời tăng mức dự báo lợi nhuận cho cả năm tài khóa hiện tại lên gần mức cao kỷ lục. Theo đó, hãng đạt mức lợi nhuận ròng là 438,4 tỷ Yên, tương đương 4,4 tỷ USD trong Quý 3 vừa qua, cao hơn gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng Yên suy yếu và tăng trường doanh số tích cực tại thị trường Mỹ được xem là những nhân tố quan trọng đưa Toyota củng cố vị trí dẫn trước các đối thủ khác.
  • Johnson& Johnson bị phạt nặng do tiếp thị trái phép với mức tiền phạt thuộc hàng cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, lên tới 2,2 tỷ USD. Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 4/11 cho biết tập đoàn J&J bị cáo buộc tội hình sự do đã thông qua công ty con của mình là hãng dược phẩm Janssen tiếp thị trái phép sản phẩm thuốc điều trị thần kinh Risperdal cùng một số dược phẩm khác không được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn.
  • Ukraine có thể thoát khỏi nguy cơ bị kiểm soát khí đốt từ Nga. Ngày 5/11, Ukraine và Tập đoàn năng lượng Mỹ Chevron đã kí thỏa thuận khai thác khí đá phiến trị giá 10 tỷ USD, được kì vọng có thể giúp Ukraine chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trước năm 2020. Thỏa thuận này là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ukraine nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng vào thời điểm nước này xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Liên minh Châu Âu.

Hải Yến (tổng hợp)