Đầu tư… không vì mục đích sinh lời

Trong 20 năm qua, đầu tư là một trong những chiến lược kinh tế lớn của Trung Quốc. Đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc đã phát triển rất ồ ạt trong những năm gần đây, đạt 123,12 tỷ USD năm 2015. Đến giữa tháng 4/2016, Trung Quốc tiếp tục đổ thêm 110 tỷ USD ra nước ngoài.

Phần lớn đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù vậy, thống kê cho thấy, 90% của các khoản đầu tư có kết quả thua lỗ.

Trong khi đó, nguồn vốn tư nhân của Trung Quốc cũng đã tìm kiếm các dự án phát triển và lợi nhuận cao ở nước ngoài. Trong năm 2011, doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 11% đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Nhưng vào năm 2015 nó đã tăng lên 41,2%. Tuy nhiên, bằng cách nhìn vào các dự án và các quốc gia đầu tư, người ta thấy rõ ràng rằng mục đích chính của vốn tư nhân của Trung Quốc đi ra nước ngoài là để bảo hiểm rủi ro hơn là đầu tư công nghiệp.

Theo Báo cáo Thị trường Đầu tư nước ngoài Trung Quốc – Nhìn lại 2015, đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản tăng 41,5% trong năm 2015, đạt mức cao kỷ lục 21,37 tỷ USD. Malaysia là nước tiếp nhận lớn nhất vốn đầu tư phát triển đất từ Trung Quốc, với khoảng 2,52 tỷ USD, tiếp theo là Hồng Kông, Hoa Kỳ, Úc và Singapore.

Chính phủ Trung Quốc chắc chắn không muốn sự dịch chuyển dòng vốn tư nhân quy mô lớn như vậy. Các nhà hoạch định tài chính hiểu rằng sự mất mát dự trữ ngoại hối một cách nhanh chóng sẽ dẫn đến rủi ro tại các thị trường lớn, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tín thác, các quỹ cổ phần tư nhân…, cũng như làm tăng rủi ro đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một số lý do giải thích tại sao chính phủ Trung Quốc không thể hạn chế sự dịch chuyển dòng vốn. Đầu tiên, Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực để thu hút FDI, do đó không thể cấm dòng tiền đi ra ngoài. Thứ hai, những người có khoản tiền khổng lồ để dịch chuyển thường là những người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân của họ. Do đó, nhà hoạch định chính sách chỉ có thể đặt hạn chế trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như lập kế hoạch thu thuế giao dịch tài chính để ổn định biến động thị trường vốn và phòng ngừa rủi ro tài chính.

Lại thêm cho vay “nhầm” đối tượng

Một phân tích của tờ Financial Times mới đây cho thấy, 6/10 quốc gia nhận tài trợ của Trung Quốc từ năm 2013 đến 2015 được xếp loại nguy cơ vỡ nợ cao.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết 35 tỷ USD cho châu Phi vay ưu đãi trong động thái làm yên lòng các đối tác ở châu lục này rằng lợi ích của Trung Quốc đã mở rộng ra ngoài việc khai thác dầu và các nguồn tài nguyên khác. Nhưng khi giá dầu xoay quanh mức 50 USD/thùng, khả năng hoàn trả các khoản vay liên quan đến dầu thô của châu Phi bị suy giảm, nhà cho vay Trung Quốc và khách hàng vay châu Phi đang trở nên thận trọng hơn trong việc ký kết các dự án mới.

Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại châu Phi

Bên cạnh đó, sự suy thoái của nền kinh tế Venezuela cũng đặt ra câu hỏi cho Ngân hàng phát triển Trung Quốc về việc cho vay và đánh giá rủi ro ở nước ngoài.

"Trung Quốc vẫn tiếp tục nói về các mối quan hệ cùng có lợi với các nền kinh tế nặng hàng hóa nhưng nền tảng của mối quan hệ này đã thay đổi, khi xuất khẩu hàng hóa các nước ở châu Phi và Nam Mỹ ngày càng xấu đi" - Matt Ferchen, một học giả của Trung tâm Thanh Hoa - Carnegie ở Bắc Kinh cho biết.

Trên thực tế, Trung Quốc đang chuyển tập trung từ các khách hàng rủi ro như Zimbabwe và Sudan sang các phương án thay thế như Ethiopia, hiện nay đang nổi lên là trung tâm sản xuất của khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có giới hạn rõ ràng đảm bảo tính bền vững trong hoạt động cho vay quỹ phát triển, như World Bank, Deborah Brautigam. Điều này dẫn đến những thỏa thuận không thực tế như khoản tín dụng 3 tỷ USD cho Ghana vào năm 2010, mà một phần trong số đó bị mắc kẹt trong dự án khí gas tự nhiên bị trì hoãn cho đến nay.

Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc có truyền thống đi đầu trong cho vay châu Phi, nhưng một số nhà quan sát tin rằng danh mục của nó đã gần bão hòa. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã mở rộng cho vay nước ngoài quá nhiều trong thời kỳ bùng nổ giá dầu, giờ đây phải tập trung giải quyết rủi ro. Cả hai ngân hàng này đều đã tăng vốn vào tháng 4/2015 sau khi sụt giảm mạnh giá dầu đã cho thấy khả năng vỡ nợ của các nhà xuất khẩu dầu tăng cao. Thực chất, việc mở rộng cho vay là cái cớ để Trung Quốc thực hiện sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, hay thường được biết đến là “Con đường tơ lụa trên biển” của mình.

Nguy cơ khủng hoảng trầm trọng

Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng kiểu như vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008 làm cho các ngân hàng ở Mỹ đồng loạt vỡ nợ và làm tê liệt thị trường tín dụng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác dự báo Trung Quốc sẽ trải qua thời kỳ khó khăn kinh tế kéo dài tương tự như “thập kỷ mất mát” của kinh tế Nhật Bản khi tăng trưởng duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài.

Nhà phân tích Jonathan Anderson ở Công ty Tư vấn Emerging Advisors Group (Thượng Hải) thiên về khả năng Trung Quốc sẽ trải qua cuộc khủng hoảng tín dụng như ở Mỹ. Ông nói: “Với tốc độ cho vay quá nhanh như hiện nay, chỉ là vấn đề thời gian trước khi một số ngân hàng thấy rằng họ không đủ khả năng tài chính để bảo đảm an toàn cho tất cả các tài sản. Và lúc đó, một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin tưởng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ đủ khả năng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng. Bằng cách bơm tiền ồ ạt vào hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể bảo đảm các ngân hàng duy trì thanh khoản, dù các khoản nợ xấu tăng lên.

Mặc dù vậy, họ cho rằng khi nợ tăng quá mức, nền kinh tế Trung Quốc có thể lặp lại kịch bản thập kỷ mất mát của Nhật Bản khi tăng trưởng thấp và giảm phát kéo dài.

GS. Michael Pettis ở trường Quản trị kinh doanh Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định nợ gia tăng sẽ dẫn đến các chi phí tài chính gây kiệt quệ cho các công ty và khiến tăng trưởng suy giảm kéo dài trước khi thực sự vỡ nợ. “Thật là sai lầm khi giả định rằng “nợ quá nhiều” chỉ xấu nếu gây ra khủng hoảng tài chính và đây là giả định phổ biến của hầu hết mọi chuyên gia kinh tế. Một ví dụ rõ ràng là nền kinh tế Nhật Bản sau năm 1990. Nhật Bản gánh quá nhiều nợ, phần lớn là nợ vay trong nước và hậu quả kéo theo sau đó là tăng trưởng sụp đổ”, ông Pettis nhận xét.

Chi phí nợ gây kiệt quệ cho các công ty vay nợ lớn bao gồm chi phí vay cao hơn, các nhà cung cấp yêu cầu phải thanh toán nhanh hơn và lượng khách hàng suy giảm do họ lo ngại công ty sẽ phá sản và không thể duy trì dịch vụ hậu mãi./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.thesaigontimes.vn/145595/Trung-Quoc-hai-kich-ban-rui-ro-khi-no-tang-len-muc-ky-luc.html

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2016-10-16/trung-quoc-gap-rac-roi-voi-chinh-sach-cho-vay-cac-nuoc-nhieu-rui-ro-36786.aspx

http://www.theepochtimes.com/n3/2100924-whats-really-driving-chinas-overseas-investment-boom/