Kinh tế Trung Quốc bước qua giai đoạn suy giảm

Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 19/10 cho biết, GDP của Trung Quốc đã tăng 6,7% trong thời gian từ tháng 7-9 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời nằm ở khoảng giữa trong mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2016.

Như vậy, trong 3 quý liên tiếp vừa qua, kinh tế Trung Quốc đều tăng 6,7% mỗi quý, khép lại quãng thời gian liên tiếp suy giảm trước đó.

Trong quý, ngành dịch vụ của Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 3 quý đầu năm, với mức tăng 7,6 %.

Tăng trưởng ổn định trở lại giúp mở đường cho các chính sách nhằm kiềm chế mức nợ đang gia tăng nhanh chóng và các rủi ro tài chính khác trong nền kinh tế Trung Quốc theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nga phải mất khoảng 20 năm để vật lộn với đói nghèo và trì trệ

Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 20/10 đã công bố dự báo phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2035 dựa trên điều kiện quốc tế thuận lợi và giá dầu tăng dần. Theo đó, Bộ Phát triển Kinh tế đưa ra ba kịch bản đối với nền kinh tế nước này.

Theo kịch bản tiêu cực nhất, giá dầu thực tế trung bình ở mức 40 USD/thùng, còn giá danh nghĩa sẽ tăng khoảng 1 USD một năm và đạt 55 USD/thùng vào năm 2035, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ tăng trung bình 1,8%.

Theo kịch bản lạc quan, sau khi thoát suy thoái vào năm 2017, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng rất chậm, trung bình 2% một năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình trên thế giới tới 1,5 lần.

Còn theo kịch bản lạc quan nhất, nhờ chuyển sang mô hình tăng trưởng đầu tư bao gồm các biện pháp cải thiện điều kiện kinh doanh, hỗ trợ xuất khẩu phi nguyên liệu, giảm chi phí và tăng doanh thu của các doanh nghiệp, kinh tế Nga sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới.

Hy Lạp không thể tiếp cận thị trường nếu không được giảm nợ

Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras ngày 17/10 cho biết nước này sẽ không thể trở lại các thị trường tín dụng theo kế hoạch đã định, nếu không được giảm nợ.

Theo ông Stournaras, nếu Hy Lạp không được trao cơ hội phát triển, việc tìm đầu ra cho thị trường vào năm 2018 là điều khó thực hiện. Ông Stournaras nhấn mạnh các cuộc đàm phán nhằm giảm nợ cho Hy Lạp phải được tiến hành và hoàn tất càng sớm càng tốt vì trên thực tế Athens đã nhận được những cam kết giảm nợ của các định chế tài chính quốc tế từ năm 2012 và được khẳng định lại hồi tháng 5/2015. Tuy nhiên, cho đến nay những cam kết này vẫn chưa được thực hiện.

Trước đó, Thủ tướng Alexis Tsipras cho rằng nếu đạt được một thỏa thuận cắt giảm nợ, Athens sẽ có thể trở lại các thị trường tín dụng trong năm 2017.

Bầu cử ảnh hưởng tiêu cực đối với kinh tế Mỹ

Theo báo cáo "Beige Book" công bố ngày 19/10 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), điều kiện thị trường lao động vẫn "chặt chẽ" với tăng trưởng "vừa phải" trong thị trường việc làm cũng như lương của người lao động.

Báo cáo ghi nhận cải thiện kinh tế ở các khu vực St. Louis, Kansas City và Dallas so với điều tra trước, trong khi New York là khu vực duy nhất báo cáo không có thay đổi trong hoạt động kinh tế.

Ở chiều ngược lại, báo cáo của FED cho biết các hoạt động sản xuất đón nhận cả tín hiệu tiêu cực và tích cực trong khi đồng USD mạnh tiếp tục làm giảm kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa sản xuất.

Nhìn chung, FED đánh giá triển vọng kinh tế là lạc quan, mặc dù ghi nhận nhiều ý kiến quan ngại về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Khảo sát tại Boston cho thấy tính khó đoán biết của cuộc bầu cử đã "trì hoãn một số quyết định kinh doanh" và giảm nhu cầu cho vay và cho thuê, trong khi Dallas phản ánh lo ngại đối với tác động của bầu cử đến "chi tiêu của người tiêu dùng”./.