Với mức tăng trưởng tuy còn khiêm tốn 0,1% trong quý III, lần đầu tiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha đã chấm dứt chuỗi suy giảm 9 quý liên tục. Xuất khẩu tăng 0,4% đã góp phần bù lại sự suy giảm nhu cầu trong nước, nhờ đó chặn được đà tăng lạm phát. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã quay trở lại thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Các tín hiệu tăng trưởng kinh tế có thể giúp Bộ trưởng Tây Ban Nha – Mariano Rajoy có thêm thuận lợi khi thuyết phục người dân chấp thuận các chính sách phi truyền thống nhằm giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công sẽ chạm mốc 100% GDP năm tới.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao 26,3%, nền tài chính công còn nhiều vấn đề chưa ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp chung của Tây Ban Nha sẽ vẫn trên 25% cho đến năm 2018, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Để củng cố mức tăng trưởng mong manh trên, Tây Ban Nha phải tăng được tiêu dùng trong nước, phải tạo ra việc làm cho khoảng 56% thanh niên thất nghiệp tại nước này. Các nước thành viên EU khác cũng đã gia hạn cho Tây Ban Nha đến năm 2016, để đưa tỷ lệ thâm hụt trên GDP từ 11% xuống 3% theo quy định của khối này.

Song nhiệm vụ này đang vấp phải những rào cản như: thu nhập người dân thấp, triển vọng phát triển thị trường thế giới không thuận lợi và nợ gia đình cao…

Tây Ban Nha đã phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế bắt nguồn từ sự sụp đổ của bong bóng bất động sản năm 2008, làm hàng triệu người mất việc và nợ công tăng mạnh, có lúc lên đến 92,6% GDP.

Kể từ khi nhậm chức cuối năm 2011, Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách 4,6% GDP bằng cách áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắt khe, tăng thuế, tiến hành cải cách.

Năm ngoái, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí dành cho Tây Ban Nha gói cứu trợ 100 tỷ Euro (tương đương 125 tỷ USD) để vực dậy các ngân hàng đang điêu đứng và Madrid từ đó đến nay đã nhận được 41,3 tỷ Euro trong gói cứu trợ này. Mới đây, ông Rajoy tuyên bố các cải cách và gói biện pháp khắc khổ mà chính phủ thi hành đã mang lại hiệu quả, và Tây Ban Nha sẽ không cần kéo dài gói cứu trợ quốc tế dành cho hệ thống ngân hàng nước này đến năm 2014./.