Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, trong khi các khoản phải chi nhiều gấp đôi. Đó là các khoản phải thanh toán nợ đáo hạn, đài thọ những khoản chi tiêu cấp bách nhất. Bộ Tài chính phải thanh toán 6 tỷ USD tiền lãi cho các chủ nợ vào ngày 01/11/2013 và cùng ngày, phải xuất ra 55 tỷ USD để trả các khoản an sinh xã hội, như: lương hưu, phụ cấp cho lính, hay bảo hiểm y tế cho người tàn tật… Kịch tính của khủng hoảng nổi lên là vì, từ cột mốc thời gian đó, Chính phủ Mỹ không được quyền đi vay thêm để trang trải các hóa đơn đến kỳ phải trả, nếu không được quyết định về phương diện pháp lý.

Ngoài cảnh phải đóng cửa một phần, người ta còn coi Chính phủ Mỹ phải đối mặt với nguy cơ giống như vỡ nợ nếu như một dự luật khẩn cấp không được thông qua trước 17/10, nghĩa là mất khả năng thanh khoản. Thế nhưng, điều đó lại không hoàn toàn giống như các quốc gia thuộc khối Đồng tiền chung châu Âu (Eurozon) rơi vào khủng hoảng nợ công.

Hầu như đến phút chót, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Harry Reid và lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã cùng thông báo về thỏa thuận đạt được; theo đó, quyền vay nợ của Bộ tài chính sẽ được gia hạn cho đến ngày 07/02/2014, cũng như sẽ chi ra một khoản ngân sách tạm thời để cơ quan chính phủ hoạt động trở lại cho đến ngày 15/01/2014. Như vậy, đôi bên sẽ lại trì hoãn bằng giải pháp tạm cho qua năm tới theo kiểu đá bóng ra biên và trong suốt ba năm tới, năm nào cũng sẽ diễn ra những cuộc tranh luận như vậy.

Cho dù trong 16 ngày bị đóng cửa một phần vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã bị tổn thất khoảng 24 tỷ USD. Nhưng mất mát lớn nhất sau vụ việc là lòng tin của người dân Mỹ cũng như các nhà đầu tư toàn cầu trong những ngày qua và trong tương lai. Hậu quả việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa, theo Standard & Poor's, khiến nền kinh tế Mỹ mất 0,6% tăng trưởng trong quý IV, chỉ còn 2,4% so với dự báo 3% trước khi Chính phủ ngừng hoạt động.

Phát biểu tại Washington, ông Reid cho biết: “Sự thỏa hiệp mà chúng tôi đã đạt được sẽ đem lại cho nền kinh tế một sự ổn định mà nó đang rất cần”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/10 cũng cho biết, Thượng viện đã cùng đồng lòng đưa ra một đề xuất, đồng thời kêu gọi Quốc hội đảm bảo rằng “chính phủ sẽ mở cửa hoạt động trở lại và nguy cơ vỡ nợ được dẹp bỏ”.

Nhưng giới phân tích nhận thấy, các thị trường tài chính thế giới và kể cả hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản vẫn bình tĩnh. Về phần các cơ quan thẩm định tài chính, trước mắt cũng mới chỉ có Fitch nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại cũng tương tự năm 2011, "làm giảm niềm tin vào đồng USD trong vai trò tiền tệ dự trữ toàn cầu và ảnh hưởng đến tín dụng của Mỹ". Năm 2011, cuộc chiến nâng trần nợ của Mỹ đã khiến nước này bị Standard & Poor's hạ một bậc xếp hạng, từ AAA xuống AA+. Còn Moody’s vẫn duy trì xếp hạng AAA.. Trong khi đó mọi người còn nhớ rằng vào năm 2011, khi đó tổng nợ công của Mỹ tương đương với 10% GDP chứ không phải là gần 4% như hiện nay.

Giải thích cho thái độ điềm tĩnh đó của quốc tế các chuyên gia cho rằng, hạn định 17/10/2013 được chính giới Mỹ nêu lên như là một cột mốc “quyết định”, nhưng trên thực tế hạn ngày 17/10/2013 nặng về ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.

Cụ thể, theo phân tích của RFI, trong trường hợp Hạ viện vẫn chưa đồng ý nâng trần nợ công từ nay cho đến hết ngày 31/10/2013 thì sẽ có 3 kịch bản xẩy ra:

Một là, chính quyền Mỹ bắt buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công cộng để duy trì mức nợ công ở dưới ngưỡng quy định như hiện nay là 16.700 tỷ đô la (tương đương với 3,9 % GDP).

Hai là, tổng thống Obama sử dụng điều khoản Tu chính 14, cho phép ông đơn phương nâng trần nợ công.

Ba là, Mỹ sau ngày 01/11/2013 rơi vào tình trạng “tạm thời mất khả năng thanh toán”. Trong trường hợp thứ ba này, nước Mỹ sẽ đánh mất niềm tin nơi các nhà đầu tư trên thế giới, bởi vì từ trước đến nay, công trái của Mỹ vẫn được coi là “an toàn” nhất.

Khi mà các nhà đầu tư cho rằng mua công trái phiếu có rủi ro cao thì điều đó cũng có nghĩa là chính phủ Mỹ sẽ phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn. Mọi người còn nhớ rằng vào thập niên 1970 do một sự cố kỹ thuật về điện toán, Mỹ đã tạm thời mất khả năng thanh toán trong một vài giờ. Hậu quả là trong một thời gian dài, Washington đã phải đi vay với lãi suất cao hơn đến 0,6 %.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mà kinh tế Mỹ chưa thực sự vững vàng sau khủng hoảng tài chính 2008, nếu đe dọa bị “mất khả năng thanh toán” đẩy lãi suất của Mỹ lên cao thì nước Mỹ của ông Obama sẽ lại rơi vào một chu kỳ suy thoái.

Lý giải vì sao nước Mỹ không bị “vỡ nợ” như là các phương tiện truyền thông thường nói tới, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, RFI cho rằng, vỡ nợ là khi món nợ vượt quá tài sản của quốc gia nên chính quyền không trả được nợ, còn trường hợp của Mỹ chỉ là một vụ lỗi hẹn trả nợ hay "vi ước" khi mà khách nợ không thanh toán được một số nợ đáo hạn. Tôi xin lấy một thí dụ: khách nợ có tài sản là ngôi nhà và món nợ lớn về tín dụng địa ốc và vẫn có thu nhập bình thường nhưng tạm thời không thanh toán được khoản nợ đáo hạn của thẻ tín dụng. Đây là điều bất tiện khi các chủ nợ lớn nhỏ đều biết tình trạng này và có thể đòi tiền lời cao hơn để tránh rủi ro, nhưng bất tiện chứ chưa là vỡ nợ hay phá sản. Hoá ra hai phe trong cuộc cứ đưa kỳ hạn vỡ nợ này ra để hăm dọa quần chúng và tác động vào thị trường.

Thực tế thì mỗi tháng ngân sách liên bang Mỹ vẫn thu vào 250 tỷ đô la tiền thuế và phải trả tiền lời đi vay là 20 tỷ và bộ Ngân khố còn khả năng du di nhiều khoản chi theo một ưu tiên khác để thanh toán các món nợ đáo hạn sau ngày 17/10/2013. Việc du di hay thay đổi ưu tiên đó cũng nằm trong các đề mục đang được tranh cãi. Nhưng song song, đồng hồ nợ quốc gia vẫn nhảy, nên ngày 01/11/2013 này lại đến kỳ trả tiền an sinh xã hội, hay ngày 15/11/2013 sẽ phải trả nợ trái phiếu, và đấy mới là những lằn ranh khó lùi.

Trong khi ấy, vấn đề căn bản vẫn là Mỹ bị bội chi quá lớn, theo ông Nghĩa, Mỹ cứ chi ra 100 USD thì phải vay gần 20 USD. Hoặc dự báo với đà như hiện nay, thì năm tới phải vay thêm 700 tỷ USD, 10 năm tới phải vay 5 ngàn tỷ USD. Việc ấy không thể kéo dài và là mối nguy thật sự cho nước Mỹ, chưa kể các khoản cam kết của quỹ lương hưu, an sinh xã hội hay nghĩa vụ thanh toán quỹ Bảo hiểm Y tế (Medicare) hay Trợ cấp Y tế (Medicaid). Nếu Mỹ bị vỡ nợ thì là do các quỹ tín thác này khi giới cao niên sinh sau Thế chiến II ào ạt về hưu với tuổi thọ cao hơn và yêu cầu về y tế đắt hơn!

Để giải quyết vấn đề Mỹ đang bội chi quá lớn này, thì bắt buộc hai vế chính trị và kinh tế phải đi song song với nhau. Theo nhà phân tích Nguyễn Xuân Nghĩa, RFI, Chính trường Mỹ vẫn bị cái lá che mắt là lịch bầu cử. Hai cuộc bầu cử 2014 và 2016 sắp tới khiến đôi bên lại đổ lỗi cho nhau để giành phiếu mà cuối cùng vẫn chỉ là tìm giải pháp thỏa hiệp. Ngón võ này có xảy ra hồi tháng 8/2011 khiến trái phiếu Mỹ bị sụt cấp mà hai đảng chưa dứt khoát giải quyết và đành thả nổi cho biện pháp tự động giảm chi gọi là "séquestration". Chính là những biện pháp tự động ấy góp phần thu hẹp bội chi ngân sách dù Chính quyền Obama cứ báo động về tai họa suy trầm vào đầu năm nay. Có lẽ vì vậy mà lần này thị trường tại Mỹ không mấy rúng động. Chỉ dấu hốt hoảng trên thị trường cổ phiếu như chỉ số VIX vẫn lửng lơ dưới điểm 20 thay vì tăng vọt lên gần 80 vào năm 2008 hay quá 40 điểm vào giữa năm 2011.

Thuần về chính trị thì một thiểu số cực đoan trong đảng Cộng Hoà có chủ trương tối đa là lồng hồ sơ Obamacare vào trận đấu ngân sách và gây chấn động cho đảng mà không giỏi tuyên truyền nên đã tặng một món quà bất ngờ cho Tổng thống Obama. Thế rồi, được lợi thế đó, đảng Dân Chủ lại đòi tối đa và quyết không nhượng bộ nên cũng làm dân chúng thất vọng. Khi nhược điểm của đạo luật cải tổ y tế Obamacare ngày càng tỏ lộ thì kết quả sẽ là sự bất ngờ khác cho cuộc bầu cử năm tới.

Chuyện trầm trọng hơn chính là hiện tượng phân cực của chính trường Mỹ, khi các thiểu số ở cả hai cánh tả hữu có những đòi hỏi cực đoan về chuyện vặt, mà không giải quyết một “cục nợ chính phủ chình ình” trước mắt nên khiến quần chúng ôn hòa ở giữa chán nản. Họ không mấy tín nhiệm Quốc hội và giới dân cử, hết thiết tha đến việc đi bầu và nhường cái loa cho những kẻ ồn ào nhất. Trong hiện tại, có lẽ đấy mới là vấn đề nghiêm trọng của chính trường Mỹ./.