Phát biểu tại cuộc họp báo ở Lisbon ngày 3/10/2013, ông Paulo Portas cho biết sau hai tuần đánh giá hoạt động kinh tế của Bồ Đào Nha thông qua chương trình cải cách cơ cấu, nhóm "bộ ba" chủ nợ đã đưa ra quyết định trên.

Theo ông Paulo Portas, những dấu hiệu phục hồi kinh tế đầu tiên của nước này cũng chính là yếu tố để các định chế tài chính điều chỉnh dự báo về tốc độ tăng trưởng của Bồ Đào Nha, theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm tới tăng 0,8%, cao hơn so với dự báo trước đây là 0,6%, trong khi GDP năm nay sẽ giảm 1,8%, thay vì giảm 2,3%. Tuy nhiên, các chủ nợ quốc tế bác bỏ đề nghị của quốc gia thành viên Khu vực đồng Euro (Eurozone) này nới lỏng chỉ tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2014 từ mức 4% lên 4,5% GDP.

Ông Portas cho rằng Bồ Đào Nha hiện đang trải qua giai đoạn quá độ và chính phủ sẽ trung thành với chính sách tài chính "cứng rắn" nhằm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời gian sớm nhất. Tính đến nay, Bồ Đào Nha mới nhận được 6,73 tỷ euro (9 tỷ USD) trong gói cứu trợ chung 78 tỷ euro mà nhóm "bộ ba" nhất trí dành cho Lisbon từ tháng 5/2011.

Ông Olli Rehn, ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Bồ Đào Nha sẽ phải trả một mức lãi suất từ 5,5-6% cho gói cứu trợ quốc tế của EU.

EU và IMF đã đồng ý cung cấp một gói cứu trợ tài chính 78 tỷ Euro (112 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha. Trong đó, EU sẽ đóng góp 2/3 số tiền và IMF tài trợ phần còn lại.

Mức lãi suất 5,5-6% được cho là gần tương đương với lãi suất hiện trả của Ireland, nhưng cao hơn của Hy Lạp. Một quan chức của IMF cho biết, đối với phần IMF cho vay trong gói cứu trợ này, mức lãi suất cho Bồ Đào Nha sẽ là 3,25% trong 3 năm đầu tiên và 4,25% trong những năm sau đó.

Ông Rehn cũng đề nghị rằng, khoản cho vay cứu trợ tài chính của Bồ Đào Nha rất có thể rút ngắn trong 3 năm, ngắn hơn so với kỳ hạn 7,5 năm cho các khoản vay của Hy Lạp

Theo kế hoạch, gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha sẽ hết hiệu lực vào giữa năm 2014, tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cho rằng nước này sẽ vẫn cần một số hình thức cứu trợ khác sau gói cứu trợ trên, có thể thông qua chương trình vay dự phòng của Liên minh châu Âu. Với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2014, Chính phủ Bồ Đào Nha xúc tiến kế hoạch cắt giảm chi tiêu lên tới 4 tỷ euro (5,5 tỷ USD). Kế hoạch chi tiết sẽ được thông báo trong dự thảo ngân sách năm 2014 dự kiến sẽ được công bố cuối tháng này./.

Hải Yến (tổng hợp)