Lạm phát lên tới… 1.500%

Theo số liệu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, dự trữ ngoại tệ của Venezuela năm 2015 giảm còn 15 tỷ USD so với 29 tỷ USD năm 2012, nợ nước ngoài lên tới 250 tỷ USD, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 10%, bội chi ngân sách tương đương từ 18 đến 20% GDP, tỷ lệ lạm phát là 180,9%.

Tỷ lệ lạm phát cả năm của Venezuela được dự báo sẽ vượt 700% trong năm nay. Đối với năm 2017, ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định lạm phát ở Venezuela sẽ lên tới 1.500%.

Mức dự trữ vàng của Venezuela cũng đã xuống thấp kỷ lục sau khi bán 1,7 tỷ USD kim loại quý này trong quý III/2016 để trả nợ. Theo số liệu của IMF, dự trữ vàng của nước này đã mất gần 1/3 trong một năm qua, đẩy nền kinh tế gần bờ vực sụp đổ hơn bao giờ hết bởi vàng chiếm tới 70% tổng dự trữ quốc gia.

Hiện người dân Venezuela đang phải đấu tranh với tình trạng thiếu lương thực và thuốc uống, cũng như sự thu hẹp của các phương án lựa chọn.

Tình trạng thiếu nước bao trùm trên diện rộng ở Venezuela

Nhiều siêu thị trên khắp Venezuela, ngay cả tại thủ đô Caracas, luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Venezuela đối mặt với tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh, mặt hàng tưởng như rất bình thường, trong nhiều tháng qua. Nhiều người dân cho biết họ phải xếp hàng dài trong nhiều giờ để mua những cuộn giấy ở thị trường chợ đen. Mặt hàng này được bán với giá cao hơn rất nhiều lần so với các địa điểm cung cấp hàng do chính phủ điều hành. Bơ, bánh mỳ và đường cũng trong tình trạng tương tự. Khủng hoảng nhu yếu phẩm kéo theo nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo động trong thời gian qua.

Trong khi đó, phần lớn bệnh viện công tại Venezuela đang rơi vào cảnh thiếu thuốc, điện, xà phòng, máy móc cần cho phẫu thuật và thậm chí là nước để rửa vết máu từ bàn mổ.

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng nặng nề hiện nay chính là hậu quả của việc Venezuela đã phụ thuộc quá nhiều vào ngành dầu mỏ nên không thể vượt qua khó khăn khi giá dầu thô sụt giảm. Đặc biệt, việc phát triển thiếu đồng bộ - chỉ tập trung khai thác và xuất khẩu dầu thô, ít chú trọng lọc và chế biến dầu nên khủng hoảng kinh tế đã làm nước này không thể nhập khẩu nhiên liệu ồ ạt như trước, dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng trong nước.

Ngoài ra, Venezuela cũng đang phải chịu tác động lớn từ cuộc “chiến tranh kinh tế” do phe đối lập và các thế lực thù địch ở nước ngoài gây ra nhằm phá hoại nền kinh tế; tạo ra những cuộc khủng hoảng khan hiếm hàng hóa, tác động mạnh mẽ tới đời sống và tâm lý của nhân đân nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền hợp hiến.

Thêm vào đó, cuộc đàm phán giữa chính phủ Venezuela và MUD đối lập được dự kiến sẽ tiếp tục được tiến hành vào ngày 11/11 tới tại thủ đô Caracas đang gặp phải trở ngại lớn khi đảng VP, một trong số các đảng đối lập chính, được lãnh đạo bởi thủ lĩnh đối lập đang bị bắt giam Leopoldo López, cùng 14 đảng chính trị đối lập khác đã từ chối ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ và cho rằng các điều kiện tổ chức đàm phán không được đáp ứng.

Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, cho dù còn gặp nhiều trở ngại nhưng thiện chí đối thoại của chính phủ Venezuela và MUD đối lập đã được coi là một bước tiến trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo ông Michael Henderson, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty phân tích rủi ro Verisk Maplecroft: “Cho dù Chính phủ Venezuela có tránh được cảnh vỡ nợ trong ngắn hạn hay không, tình hình kinh tế vĩ mô đầy bất ổn của nước này sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp”.

Đối thoại để giải quyết khủng hoảng

Mới đây, Quốc hội Venezuela do Liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập chiếm đa số đã tuyên bố sẽ khởi động tiến trình xét xử đối với Tổng thống Nicolas Maduro. MUD cho rằng nhà lãnh đạo Venezuela đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị tại nước này. Quốc hội Venezuela cũng đã thông qua yêu cầu đưa ông Maduro ra điều trần trước cơ quan lập pháp vào ngày 1/11.

Tuy nhiên, đến ngày 1/11, Quốc hội Venezuela lại hoãn việc tiếp tục thúc đẩy phiên tòa chính trị xét xử trách nhiệm của Tổng thống Nicolas Maduro, nhằm ủng hộ tiến trình đối thoại với chính phủ vừa được khởi động hôm 30/10.

Quốc hội Venezuela hoãn phiên tòa chính trị chống lại Tổng thống Maduro một ngày sau khi MUD yêu cầu chính phủ trả tự do ngay lập tức cho các chính trị gia đối lập để có thể tiếp tục đàm phán. Một điều kiện nữa mà phe đối lập ở Venezuela đã đưa ra để đối thoại đó là việc phải tổ chức trưng cầu ý dân về việc lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống Maduro ngay trong năm nay hoặc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Trước đó, ngày 30/10, Tổng thống Maduro và đại diện MUD đã bắt đầu đối thoại chính trị tại ngoại ô thủ đô Caracas. Tổng thống Maduro và 3 đại diện của chính phủ đã cùng với Thư ký điều hành MUD Torrealba và 4 đại diện liên minh đối lập tham gia đàm phán, với vai trò trung gian hòa giải của Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).

Sau cuộc gặp, Chính phủ Venezuela và các thủ lĩnh phe đối lập đã đạt được thỏa thuận về chương trình đàm phán dài hạn. Theo đó, hai bên nhất trí tổ chức một "cuộc họp toàn thể đối thoại cấp quốc gia" để chuẩn bị cho tiến trình đàm phán dài hạn về nội dung 4 điểm, bao gồm tôn trọng pháp trị và quyền lực chính phủ; nhân quyền và hòa giải; các vấn đề kinh tế và xã hội; và thời gian biểu tổ chức tổng tuyển cử. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí thành lập 4 ủy ban nhằm thảo luận cụ thể các vấn đề trên.

Phản ứng về tình hình Venezuela, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon, người đang có mặt tại Caracas để ủng hộ quá trình đối thoại giữa chính phủ Venezuela và phe đối lập, đã đánh giá tích cực việc hai bên tiến hành đối thoại, đồng thời nhận định đây là một thông tin quan trọng.

Trong khi đó, Tổng thư ký UNASUR Ernesto Samper đánh giá cao thiện chí của chính phủ Venezuela và phe đối lập và hy vọng các bên sẽ giải quyết được bất đồng thông qua đối thoại./.