Khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông về tình hình kinh tế Indonesia, Phó Tổng thống Indonesia Boediono cũng bày tỏ lạc quan rằng Indonesia sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nhờ nền tảng kinh tế mạnh mẽ và các nhà hoạch định chính sách kinh tế đáng tin cậy.

Trong khi các nhà đầu tư đang có xu hướng rút vốn ra khỏi đất nước. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã khuyến cáo việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,3% năm 2013, sau hai lần được điều chỉnh xuống từ mức ban đầu 6,9%, là một thách thức không nhỏ đối với Indonesia.

Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh rằng mặc dù gói các chính sách của chính phủ và gói các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) vừa được ban hành mới đây nhằm ổn định các điều kiện kinh tế-tài chính vĩ mô đã đem lại một số kết quả tích cực ban đầu như cải thiện tỷ giá hối đoái hay chỉ số chứng khoán, song nền kinh tế vẫn “không an toàn” khi thâm hụt thương mại, thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu sẽ được cải thiện trong những tháng tới, trừ cán cân tài khoản vãng lai.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS), thâm hụt thương mại của nước này đã tăng mạnh từ 846,6 triệu USD trong tháng 6 lên 2,31 tỷ USD trong tháng Bảy vừa qua. Cùng kỳ, xuất khẩu đã giảm 6,01% xuống 15,11 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 6,50% lên 17,42 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 8,79% trong tháng Tám vừa qua từ mức 8,61% hồi tháng trước.

Chính phủ Indonesia trong tháng Sáu đã phải tăng trung bình 33% giá nhiên liệu được trợ giá để giảm bớt gánh nặng thâm hụt ngân sách. Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu mỏ từ năm 2008 và hàng năm phải chi tới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để trợ giá nhiên liệu.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ lạm phát cao và đang trong xu hướng gia tăng, song cuối tháng Tám vừa qua BI vẫn phải nâng lãi suất cơ bản từ 6.5% lên 7% để làm dịu bớt áp lực lên đồng nội tệ rupiah trước khả năng Chính phủ Mỹ thực hiện giảm dần nới lỏng định lượng. Động thái có thể đó của Chính phủ Mỹ sẽ khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ngược ra khỏi các nền kinh tế đang nổi và gây thiệt hại nhiều nhất cho những nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, trong đó có Indonesia.

Dự trữ ngoại hối đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 xuống còn 92 tỷ USD, chỉ đủ đáp ứng nhập khẩu và thanh toán nợ trong 5,1 tháng. Đồng nội tệ rupiah liên tục suy giảm, mất giá tới trên 13% so với đồng USD kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Boediono cho rằng sự kết hợp giữa gói chính sách của chính phủ tập trung vào phục hồi xuất khẩu, giảm nhập khẩu nhiên liệu và gói biện pháp của Ngân hàng Trung ương Indonesia tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng và ổn định các điều kiện tài chính - tiền tệ vĩ mô, vừa được ban hành mới đây, sẽ đem lại hiệu quả giúp Indonesia vượt qua được những khó khăn kinh tế hiện nay.

Ông Boediono khẳng định các chính sách và biện pháp nói trên đã được giới chuyên môn đánh giá là đúng đắn và tích cực, đồng thời kêu gọi các phương tiện truyền thông tin tưởng và hợp tác với chính phủ trong việc đối phó với khủng hoảng./.