EU hạ dự báo tăng trưởng Eurozone và Anh trong năm 2017

Ngày 9/11, Liên minh châu Âu (EU) đã dự báo tốc độ tăng trưởng trong khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) sẽ chậm lại vào năm tới do nhu cầu chi tiêu giảm trong khi tỉ lệ lạm phát có chiều hướng tăng.

Bên cạnh đó, EU cũng đánh giá lại những dự báo về kinh tế Anh do tác động từ việc London quyết định rời khối này hồi cuối tháng Sáu vừa qua.

Phát biểu về dự báo kinh tế thường kỳ của các nước thành viên EU, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU Pierre Moscovici đánh giá mức tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm xuống mức 1,5% vào năm tới và sẽ tăng lên 1,7% vào năm 2018.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm tốc này được đánh giá là do một số yếu tố kinh tế cũng như tình trạng bất ổn toàn cầu. Theo đó, mức độ tăng trưởng trung bình này là kết quả của hàng loạt các chướng ngại ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng như sự yếu kém trong thương mại toàn cầu, giá dầu ở mức thấp, sự mất giá tiền tệ cũng như tình hình bất ổn ở mức cao tại châu Âu.

Thị trường thế giới phản ứng mạnh sau chiến thắng của ông Trump

Sau chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 9/11 (theo giờ Việt Nam), các thị trường chứng khoán trên thế giới cùng ngày đã có phản ứng mạnh, tương tự thời điểm sau khi cử tri Anh quyết định đưa nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Mở phiên giao dịch ngày 9/11 tại Frankfurt/Main, chỉ số DAX chủ chốt của Đức giảm 2,84% điểm, xuống còn 10.174,92 điểm, trong khi chỉ số Mdax cũng mất 2,4% và TecDax mất 2,15%.

Tại London, chỉ số FTSE 100 mở phiên mất 1,87%, trong khi tại Paris mất 2,83% và Milan là 3%.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei giảm 5,4% xuống còn 1.301 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng ở Hong Kong cũng mất 3%; chỉ số Kospi ở Seoul cũng giảm 3%.

Theo nhà kinh tế trưởng Holger Sandte thuộc ngân hàng Nordea, nếu ông Trump làm theo các kế hoạch chi tiêu của mình, lãi suất trái phiếu của Mỹ có thể tăng mạnh và điều này sẽ gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới.

Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng khó có khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới. Nhà kinh tế trưởng của DZ Bank Stefan Bielmeier cũng nhận định FED có thể không nâng lãi suất trong tháng 12.

IMF chính thức thông qua khoản vay 12 tỷ USD cho Ai Cập

Ngày 11/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức thông qua khoản cho vay trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn ba năm cho Ai Cập để giúp nước này phục hồi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố, Hội đồng Quản trị IMF cho biết thể chế tài chính quốc tế này sẽ giải ngân ngay lập tức khoản tiền 2,75 tỷ USD cho Ai Cập, trong khi số tiền còn lại sẽ được chuyển cho Cairo phụ thuộc vào tình hình cải thiện kinh tế cũng như việc thực hiện cải cách của đất nước Bắc Phi.

IMF cho rằng chương trình cải cách "sẽ giúp Ai Cập khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện."

Các chính sách hỗ trợ của gói tín dụng này nhằm mục đích giúp Ai Cập tự điều chỉnh sự mất cân bằng bên ngoài và khôi phục khả năng cạnh tranh, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm trong khi bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Sản lượng khai thác dầu mỏ của các nước OPEC đạt mức cao kỷ lục

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 10/11 cho biết sản lượng khai thác dầu của các nước sản xuất dầu mỏ thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 10 đã đạt mức kỷ lục, làm dấy lên lo ngại tình trạng dưa thừa nguồn cung dầu mỏ trên thế giới tiếp tục gây sức ép lên các thị trường.

Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ, IEA cho biết sản lượng khai thác dầu của 14 thành viên OPEC trong tháng 10 đã đạt 33,83 triệu thùng/ngày. Con số này "cao hơn nhiều ngưỡng sản lượng đề xuất."

Thông tin trên được đưa ra vài tuần trước cuộc họp của OPEC dự kiến diễn ra ở Vienna (Áo) vào ngày 30/11 tới nhằm tìm kiếm một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung./.