“Con diều” đang lên BRICS đang mất dần lợi thế cạnh tranh

5 năm trước, hai khối công nghiệp hàng đầu là châu Âu và Mỹ bị khủng hoảng tài chính và trôi vào suy giảm kinh tế. Ngay lập tức, dòng tiền từ khối châu Âu chảy qua các nước đang phát triển, trong số này có 4 nước gọi tắt là B.R.I.C - Brazil ở Nam Mỹ, Liên bang Nga, cùng Ấn Độ và Trung Quốc.

Song, hiện tại, BRICS không còn giữ được đà tăng trưởng vũ bão như trước đây. Từ đầu năm nay, đà tăng trưởng của Brazil chỉ còn 2% một năm sau khi sụt tới 1% vào năm ngoái. Kinh tế Nga chỉ tăng 2% một năm dù có lợi thế là giá dầu thô đã vượt 100 USD/thùng. Ấn Độ thì có tốc độ tăng trưởng hơn 11% năm 2010, gần 8% vào 2011 và năm ngoái chỉ còn 4%, trong khi lại phải đối mặt với tình trạng lạm phát và tham nhũng. Còn Trung Quốc thì đã hết đà 10% của mấy chục năm và đang lo ngại một vụ hạ cánh nặng nề trước khi bước vào thập niên suy sụp. Không chỉ thế, các nền kinh tế đang lên đã từng có mức tăng trưởng cao trong mấy năm qua đều bị suy giảm nặng, kể cả Mexico, Indonésia, Malaisia hay Việt Nam…

Trong khi ấy, khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ đã chạm đáy và bật dậy, dù chưa mạnh nhưng cũng hết khó khăn triền miên và riêng Nhật Bản thì từ đầu năm nay đã thi hành một kế hoạch cải cách khá táo bạo với nhiều dấu hiệu khả quan.

Khả quan nhất trong các quốc gia là Hoa Kỳ, khi từ tháng 5, Chủ tịch hệ thống ngân hàng Trung ương thông báo đã tới lúc điều chỉnh lại chính sách bơm tiền ào ạt với lưu lượng là mỗi tháng 85 tỷ USD. Dự tính ấy khiến phân lời trái phiếu tại Mỹ bắt đầu tăng và dẫn tới hậu quả bất ngờ là dòng tư bản lại từ các nước đang phát triển chảy ngược về Mỹ và châu Âu, là nơi có lời hơn, khiến hối suất đồng bạc các nước đang phát triển đều sụt.

Lý giải sự đảo chiều

Để có thể hiểu được sự vận hành phức tạp của quy luật kinh tế giữa các nước, trong đó có luồng vận chuyển của tư bản, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, có thể lý giải sự đảo chiều trên bằng cách nhìn khá đơn giản như sau:

Thứ nhất, khi đa số quốc gia đều áp dụng quy luật thị trường và quyền tự do giao dịch để tạo ra của cải, thì luồng tư bản của các nước cố tìm ra nơi đầu tư có lợi nhất và tránh nơi ít lời hoặc lắm rủi ro. Luồng tư bản đó là tiền đầu tư của doanh nghiệp, của giới đầu tư tài chính nhận tiền tiết kiệm từ công chúng để đặt vào nơi sinh lời và an toàn. Khi đó, các nhà đầu tư này có thể trở thành chủ nợ nếu cho xứ khác vay tiền.

“Một con số đáng lưu ý là từ khi các nước đang phát triển bắt đầu chuyển hướng hơn 30 năm trước, họ tiếp nhận được một lượng tư bản rất lớn của các nước giàu, cụ thể là từ khoảng 25 tỷ đô la vào năm 1980 lên tới 1.200 tỷ vào năm ngoái”, ông nói.

Thứ hai, trong đầu tư, ta có loại trực tiếp là đem tiền vào xứ khác lập doanh nghiệp để sản xuất các mặt hàng có lời nhất. Loại đầu tư trực tiếp này phải mất nhiều năm thực hiện mới có kết quả nên không dễ tháo gỡ để triệt thoái.

“Một thí dụ ta cần sớm nhìn ra là khi Trung Quốc hết tăng trưởng như xưa và lại mất dần lợi thế nhân công rẻ thì xứ này hết là "công xưởng toàn cầu" như trong mấy chục năm qua. Khi đó, giới đầu tư trực tiếp cần tìm nơi khác, nhưng sự xoay chuyển ấy sẽ chậm rãi chứ không đột ngột như loại đầu tư gián tiếp, là loại đang làm chúng ta quan tâm”, ông nhấn mạnh./.

Theo RFI