Anh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 do tác động của Brexit

Ngày 23/11, Anh đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 của nước này do những tác động nghiêm trọng từ cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Sáu, theo đó đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit.

Phát biểu tại Quốc hội trong báo cáo cập nhật ngân sách đầu tiên của chính phủ kể từ vụ Brexit, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự đoán chỉ tăng 1,4% trong năm tới, giảm mạnh so với mức 2,2% được đưa ra trong dự đoán trước đó.

Ông Hammond nhấn mạnh Brexit sẽ "làm thay đổi tiến trình lịch sử của Anh," đồng thời kêu gọi áp dụng khẩn cấp các biện pháp cần thiết để đối phó với sự suy giảm dài hạn của nền kinh tế Anh sau "cú sốc" này.

Mức dự báo tăng trưởng 1,4% nói trên của Chính phủ Anh trùng với mức mà Ngân hàng Trung ương Anh đã đưa ra trước đó.

Philippines mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào nhiều ngành quan trọng

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23/11 tuyên bố đang tiến hành các bước nhằm mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực điện, năng lượng và viễn thông, nhằm hạn chế tham nhũng và thúc đẩy chống chủ nghĩa bảo hộ.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Davao sau khi trở về từ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Peru, ông nhấn mạnh đã đến lúc thay đổi quy định và giải phóng các lĩnh vực năng lượng, điện và viễn thông để khiến Philippines trở nên cạnh tranh, cũng như giúp người dân nước này có được dịch vụ tốt hơn và được chia sẻ sự thịnh vượng.

Ông cho rằng cách thức duy nhất giúp Philippines đẩy nhanh việc mang lại lợi ích cho người nghèo là mở cửa cho lĩnh vực thông tin liên lạc và toàn bộ lĩnh vực năng lượng.

Nhà lãnh đạo Philippines cho biết muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng đã đến lúc "chia sẻ tiền bạc cho toàn bộ đất nước, tiến nhanh hơn và mở cửa cạnh tranh cho tất cả."

Tổng thống Putin đánh giá kinh tế Nga chuyển biến tích cực

Tại diễn đàn Mặt trận nhân dân toàn Nga diễn ra ngày 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, lạm phát của Nga ở thời điểm hiện tại đang ở mức 4,7%, dự kiến tính đến cuối năm nay, chỉ số này sẽ là gần 5,8%.

Theo Tổng thống Putin, lạm phát của Nga trong năm ngoái ở mức 12%, nhưng chỉ số này trong năm nay sẽ xuống dưới 6%, chỉ khoảng 5,7%-5,8%.

Đây sẽ là mức lạm phát thấp kỷ lục của Nga. Ông Putin cho rằng đây là kết quả của hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp vì chỉ số tăng giá ở nhóm hàng hóa thực phẩm đã giảm mạnh. Chỉ số lạm phát thấp nhất của Nga trước đây ở mức 6,1% vào năm 2011.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội của Nga năm nay sẽ giảm 0,3%. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tăng 3%. Ông cũng nhận định lĩnh vực kinh tế hiện nay ở Nga nhìn chung có sự chuyển biến tích cực.

Mỹ cân nhắc khả năng tăng lãi suất cơ bản vào tháng 12

Khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất vào tháng 12 tới ngày càng lớn khi đa số chiến lược gia của thể chế này đều cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tiếp tục thực hiện lộ trình nới lỏng lãi suất, vốn được duy trì ở mức thấp trong thời gian khá dài nhằm ổn định kinh tế.

Trong biên bản cuộc họp của Fed diễn ra từ ngày 1-2/11 và được công bố ngày 23/11, Fed nhấn mạnh hầu hết các quan chức tham gia cuộc họp diễn ra trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ này nhất trí quan điểm rằng đã đến lúc cần tăng sớm lãi suất cơ bản so với lộ trình được đề ra.

Một số thành viên Fed cho rằng thời điểm thích hợp nhất để tăng lãi suất chính là trong hai ngày diễn ra cuộc họp Fed (từ 13-14/12) và quyết định này sẽ nhằm củng cố "sự tín nhiệm" Fed.

Trong biên bản của Fed, một số quan chức khác còn cảnh báo việc giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài trong bối cảnh thị trường việc làm quá sôi động đã ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ./.