Đây là lần đầu tiên OPEC cắt giảm sản lượng kể từ năm 2008

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và cũng là Chủ tịch OPEC, Mohammed al-Sada khẳng định đây là một bước tiến lớn và là thời khắc lịch sử, để giúp tái cân bằng thị trường và giảm sản lượng dư thừa. Theo ông, thỏa thuận mới sẽ giúp tăng tốc lạm phát toàn cầu lên mức "lành mạnh hơn", trong đó có Mỹ.

Theo tuyên bố của OPEC, Saudi Arabia sẽ giảm sản lượng 486.000 thùng/ngày từ mức tháng 10/2016 xuống còn 10,1 triệu thùng/ngày. Iraq giảm 210.000 thùng/ngày xuống còn 4,4 triệu thùng/ngày và UAE giảm 139.000 thùng/ngày xuống còn 2,9 triệu thùng/ngày.

Iran được đồng ý tăng sản lượng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Cũng theo thỏa thuận, Libya và Nigeria được miễn thực hiện cắt giảm. Chỉ duy nhất Indonesia phản đối thỏa thuận này và quyết định đình chỉ tư cách thành viên OPEC.

Cùng ngày, Nga - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất không phải thành viên OPEC, tuyên bố sẵn sàng giảm 300.000 thùng/ngày vào năm sau để ủng hộ thỏa thuận của OPEC.

Giới chuyên gia đánh giá đây là quyết định lịch sử vì trước khi đạt được thỏa thuận đã có rất nhiều tranh cãi và bất đồng quan điểm giữa các thành viên trong nhóm.

Động thái của OPEC đã tác động ngay lập tức lên thị trường dầu mỏ thế giới. Giá dầu thô WTI tăng tới 10% trên thị trường New York còn dầu Brent cũng tăng 8,8% trong khi giá cổ phiếu của các công ty năng lượng toàn cầu và đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu lớn cũng đồng loạt tăng vọt.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Whiting Petroleum Corp hôm qua tăng 32% - ngày tăng lớn nhất trong 13 năm trong khi cổ phiếu của Continental Resources Inc., - công ty của cố vấn của ông Donald Trump, ông Harold Hamm, tăng tới 25%- nhiều nhất kể từ năm 2008.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, giá dầu Brent giao tháng 1 tăng 4,07% lên 50,45 USD/thùng. Giá dầu WTI cùng kỳ hạn trong khi đó tăng 3,89 USD lên 49,12 USD/thùng./.