EU đề xuất quy định thuế mới nhằm khuyến khích thương mại điện tử

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1/12 đã công bố một loạt đề xuất nhằm cải thiện môi trường thuế giá trị gia tăng (VAT) của các doanh nghiệp thương mại điện tử tại EU, cho phép người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể dễ dàng thực hiện giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ thông qua thương mại điện tử.

Việc chính thức mở cổng thông tin giao dịch duy nhất trên quy mô châu Âu dành cho thanh toán thuế VAT qua mạng Internet sẽ giúp giảm đáng kể chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế VAT của các doanh nghiệp trên toàn EU, với số tiền tiết kiệm ước tính lên tới 2,3 tỷ Euro mỗi năm (2,44 tỷ USD).

Bên cạnh đó, việc EC đề xuất phân bổ tiền thuế thu được một cách công bằng giữa các nước EU sẽ đảm bảo tiền thuế VAT được nộp cho chính quốc gia thành viên EU - nơi khách hàng của họ là người tiêu thụ cuối cùng.

OPEC quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ từ tháng 1/2017

Ngày 30/11, lần đầu tiên sau 8 năm, các nước OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ sau quá trình thương lượng được đánh giá là đầy khó khăn diễn ra tại Vienna, Áo. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, các nước OPEC sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay. Kết quả trên đã đạt được sau khi Saudi Arabia đồng ý thực hiện mức cắt giảm lớn nhất.

Theo tuyên bố của OPEC, Saudi Arabia sẽ giảm sản lượng 486.000 thùng/ngày từ mức tháng 10/2016 xuống còn 10,1 triệu thùng/ ngày. Iraq giảm 210.000 thùng/ngày xuống còn 4,4 triệu thùng/ngày và UAE giảm 139.000 thùng/ngày xuống còn 2,9 triệu thùng/ngày. Iran được đồng ý tăng sản lượng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cộng đồng quốc tế trừng phạt.

Cũng theo thỏa thuận, Libya và Nigeria được miễn thực hiện cắt giảm. Chỉ duy nhất Indonesia phản đối thỏa thuận này và quyết định đình chỉ tư cách thành viên OPEC.

Cùng ngày, Nga, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất không phải thành viên OPEC, tuyên bố sẵn sàng giảm 300.000 thùng/ngày vào năm sau để ủng hộ thỏa thuận của OPEC.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đổi ngoại tệ sang vàng và đồng Lira

Ngày 2/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hối thúc người dân nước này đổi ngoại tệ đang cất giữ sang vàng và đồng nội tệ Lira, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đồng Lira liên tục mất giá so với đồng USD.

Phát biểu trên truyền hình tại thủ đô Ankara, ông Erdogan kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ còn tích trữ ngoại tệ đổi sang vàng và đồng Lira, để kim loại quý và đồng nội tệ này có giá trị hơn. Ông cho rằng hiện có nhiều đối tượng làm rối loạn thị trường trong nước, vì vậy, việc đổi tiền có thể giúp đối phó hiệu quả với tình trạng này.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ankara cũng trấn an người dân với khẳng định giới chức sẽ nhanh chóng can thiệp để bình ổn thị trường.

Thượng viện Brazil thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng

Với 61 phiếu thuận và 14 phiếu chống, ngày 29/11, Thượng viện Brazil đã thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm thiết lập lại kỷ luật tài chính ở nước này. Các biện pháp này bao gồm đóng băng mức chi tiêu của chính phủ trong 20 năm.

Tổng thống Michel Temer khẳng định việc áp dụng những biện pháp trên là cần thiết để tránh cho nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh khỏi bị vỡ nợ.

Ông Temer thậm chí còn muốn thực hiện việc cải cách trợ cấp gây tranh cãi lớn hơn và có thể là tiếp tục cắt giảm chi tiêu sau việc đóng băng nói trên. Tuy nhiên, để trở thành luật, những biện pháp này cần phải được đưa ra bỏ phiếu lần thứ hai tại Thượng viện./.