Người Nga ồ ạt thu mua ngoại tệ do lo ngại đồng Ruble mất giá

Do lo ngại đồng Ruble mất giá mạnh, người dân Nga đã vội vàng đi thu mua ngoại tệ mà đỉnh điểm là trong tháng 9 và tháng 10. Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rostat) cho biết, vào những tháng mùa Thu này, người dân Nga đã chi 5,4% thu nhập của mình để mua USD và Euro.

Lần gần đây nhất, người Nga tích cực mua ngoại tệ như vậy xảy ra vào ngày 16/12/2014, vốn rất nổi tiếng với tên gọi "Ngày thứ Ba đen tối." Khi đó, tại các sàn giao dịch, tỷ giá hối đoái lên tới hơn 80 Ruble đổi một USD, và hơn 100 Ruble/1 Euro.

Theo giới chuyên gia, hiện người Nga đang lặp lại mô hình hành vi 2 năm trước khi lo ngại đồng Ruble lại bị phá giá. Tuy vậy, có một bộ phận người giàu mua thêm ngoại tệ để chuẩn bị cho những buổi lễ năm mới mà họ dự định đón ở nước ngoài.

ECB sẽ kéo dài chương trình mua tài sản đến hết năm 2017

Ngày 8/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố sẽ kéo dài chương trình mua tài sản đến hết năm 2017, tuy nhiên sẽ giảm mức mua trái phiếu từ 80 triệu Euro/tháng hiện nay xuống còn 60 triệu Euro, bắt đầu từ 4/2017.

Chương trình mua tài sản nhằm thúc đẩy lạm phát thấp lâu nay và tăng trưởng kinh tế vẫn yếu tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết việc kéo dài chương trình thêm 9 tháng (4/2017-12/2017) đã gửi đi thông điệp ECB sẽ tiếp tục "hoạt động tích cực" trên các thị trường trong "một thời gian dài." Ông cũng cho biết thêm hiện nay " tình trạng bất ổn định xuất hiện ở khắp mọi nơi."

ECB hiện đang chịu sức ép từ một số nhân vật bảo thủ và các nghị sĩ Đức, những người bắt đầu siết lại sự ủng hộ của mình đối với nền kinh tế của khối đồng tiền chung. Những người này cho rằng chính sách quá nới lỏng tiền tệ đã ảnh hưởng đến người gửi tiết kiệm và làm giảm nhẹ sức ép trách nhiệm của các nước đang vay nợ phải cải cách các nền kinh tế của họ.

Kinh tế Hàn Quốc đối mặt với áp lực sụt giảm mạnh

Ngày 8/12, Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố báo cáo đánh giá kinh tế hàng tháng, được gọi là “Sách Xanh,” nhận định rằng tình hình chính trị hiện nay ở nước này nhiều khả năng sẽ tạo ra sức cản lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong thời gian sắp tới, trong bối cảnh tình trạng giảm sút trong xuất khẩu mới có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi yếu và nhu cầu trong nước vẫn thấp.

Bản báo cáo trên được xây dựng trên cơ sở các chỉ số mới nhất của những yếu tố chủ chốt như sản lượng, xuất khẩu, tiêu thụ và đầu tư của doanh nghiệp.

Báo cáo cho rằng tốc độ phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc đã phần nào chậm lại do sản xuất và đầu tư trì trệ, tình trạng khó đoán định đang gia tăng xuất phát từ việc chuyển giao chính quyền ở Mỹ, cũng như khả năng Mỹ tăng lãi suất cơ bản.

Brazil phạt 5 ngân hàng nước ngoài do thao túng tỷ giá hối đoái

Cơ quan Chống độc quyền Brazil (CADE) vừa đưa ra mức phạt 183,5 triệu reais (54 triệu USD ) đối với 5 ngân hàng nước ngoài là Barclays Plc, Citigroup Inc, Deutsche Bank AG, HSBC Holdings Plc và JPMorgan Chase & Co do hành vi thao túng tỷ giá hối đoái trên thị trường tiền tệ của Brazil.

Phán quyết này có liên quan đến cuộc điều tra bắt đầu từ Thụy Sỹ, Anh quốc và Mỹ, trong đó 15 ngân hàng bị cáo buộc đã thông đồng để lũng đoạn tỷ giá hối đoái. Tổng mức tiền phạt trong vụ án này tính đến hiện tại đã suýt soát con số 6 tỷ USD.

CADE điều tra các ngân hàng trên về việc tự ý điều chỉnh tỷ giá và ngăn cản một số doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hối đoái. Năm ngân hàng này còn bị cáo buộc đã thông đồng nhằm hạn chế việc các đối thủ cạnh tranh của họ mua bán ngoại tệ, bên cạnh việc thao túng tỷ giá hối đoái tham chiếu.

Ngoài ra, CADE cho hay cơ quan này sẽ tiếp tục mở một cuộc điều tra riêng về những hành vi thao túng tỷ giá hối đoái trên thị trường tiền tệ Brazil giữa một số ngân hàng và công ty khác.

Ngân hàng Trung Quốc bơm gần 50 tỷ USD vào thị trường

Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 6/12 bơm 339 tỷ Nhân dân tệ - tương đương 49,13 tỷ USD - vào thị trường dưới dạng cho 24 thể chế tài chính vay thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF). Lãi suất MLF là 2,85% đối với khoản vay sáu tháng và 3% đối với khoảng vay 1 năm, không thay đổi so với các mức của tháng 11.

Trong tuyên bố của mình, PBOC cho biết động thái trên nhằm duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng "ở mức hợp lý và rộng rãi."

Cơ chế MLF đã được áp dụng từ năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách của Trung Quốc duy trì khả năng thanh khoản bằng cách vay tiền từ PBOC, sử dụng cổ phiếu như tài sản thế chấp./.