Khởi đầu cho nhiều đợt nâng lãi suất tiếp theo

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ 0,25-0,5% lên 0,5-0,7% vào rạng sáng nay 15/12 theo giờ Việt Nam.

Động thái này biểu hiện sự tự tin của FED vào kinh tế Mỹ. Việc nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ, trong đó có những người mua nhà, người tiết kiệm và nhà đầu tư. Đây mới chỉ là lần thứ hai trong một thập niên FED tăng lãi suất. Lần đầu tiên ngân hàng trung ương Mỹ hành động là vào tháng 12 năm ngoái.

“Tăng trưởng kinh tế tăng lên từ giữa năm nay. Chúng tôi cho rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục thể hiện tốt”, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết.

FED giảm lãi suất xuống 0% vào năm 2008, giữa cuộc khủng hoảng tài chính. Mức lãi suất trên duy trì trong thời kỳ Đại suy thoái và khoảng thời gian sau đó. Động thái tăng lãi suất cho thấy kinh tế Mỹ giờ đây không cần sự hỗ trợ của FED, còn người tiêu dùng và doanh nghiệp thì có đủ khả năng để trả thêm tiền khi đi vay.

Trên thực tế, kinh tế Mỹ tạo ra thêm việc làm trong 74 tháng liên tiếp. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này hạ xuống còn 4,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Nền kinh tế cũng tăng trưởng trong 7 năm dù với tốc độ chậm.

Việc tăng lãi suất trong tháng 12 này có thể là khởi đầu cho nhiều đợt nâng lãi suất tiếp theo. Một số nhà kinh tế cho rằng FED sẽ cần nâng lãi suất thường xuyên hơn và ở mức độ cao hơn nếu ông Donald Trump chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng.

FED cũng gợi ý rằng họ có thể nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn vào năm sau. Hầu hết quan chức FED hiện dự báo có từ ba đợt tăng lãi suất trở lên trong năm 2017. Hồi tháng 9, giới chức FED dự báo họ chỉ nâng lãi suất một hoặc hai lần vào năm sau.

Kế hoạch chi tiêu lớn sẽ kích cầu nhu cầu nhiều mặt hàng. Đây là yếu tố có thể khiến lạm phát tăng tốc từ mức hiện thời. FED vì thế phải chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Dù vậy, không có gì là chắc chắn với ngân hàng trung ương Mỹ. Giới chức FED từng cho rằng họ sẽ phải hành động bốn lần trong năm 2016 song cuối cùng chỉ có một đợt tăng vào cuối năm.

Cũng trong hôm nay, FED dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,9% năm nay và 2,1% năm sau. Cả hai con số đều nhỉnh hơn một chút so với dự báo đưa ra hồi tháng 9.

Những phản ứng trái chiều

Nhận định về việc FED tăng lãi suất, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Việc FED tăng lãi suất sẽ tác động đến kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam do 22% xuất khẩu của Việt Nam là vào thị trường Mỹ.

Ngoài ra, việc FED tăng lãi suất cũng khiến đồng USD tăng và đẩy giá vàng thế giới đi xuống. Nhưng giảm đến mức độ nào, có tương xứng với tốc độ tăng giá của đồng USD hay không thì chưa thể biết được vì còn phụ thuộc vào nhiều biến số”, ông Long nói.

Trong khi đó, chuyên gia Trần Thanh Hải cho rằng mức giảm của giá vàng thế giới sau khi FED tăng lãi suất sẽ là mức đáy của giá vàng trong năm nay.

“Trong năm nay giá vàng thế giới đã có nhiều cơ hội tăng và cơ hội lớn nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống. Còn việc FED tăng lãi suất là cơ hội cuối cùng và duy nhất trong năm 2016 làm cho giá vàng giảm”, ông Hải nói.

Thật vậy, ngay sau tuyên bố của FED, chỉ số Dow giảm 118,68 điểm (-0,60%), xuống 19.792,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,44 điểm (-0,81%), xuống 2.253,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 27,16 điểm (-0,50%), xuống 5.436,67 điểm. Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất trong vòng 1 năm qua và là lần duy nhất trong năm 2016.

Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm từ mức cao nhất 11 tháng với sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, cũng như sự thận trọng của nhà đầu tư trước cuộc họp báo của FED thông báo về quyết định tại cuộc họp sẽ kết thúc sau đó mấy tiếng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sự thận trọng của nhà đầu tư để chờ đợi quyết định của FED khiến chứng khoán Nhật Bản đóng cửa gần như không đổi, tuy nhiên vẫn duy trì được mạch tăng điểm của mình. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục quay đầu giảm.

Kết thúc phiên 14/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 3,09 điểm (+0,02%), lên 19.253,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 140,09 điểm (-0,62%), xuống 22.456,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,51 điểm (-0,46%), xuống 3.140,53 điểm.

Dĩ nhiên, chịu ảnh hưởng nặng nhất từ quyết định tăng lãi suất và thông điệp đưa ra sau cuộc họp của FED là vàng. Quyết định của FED đã khiến đồng USD tăng vọt 1,24%, đẩy giá vàng lao dốc mạnh vào cuối phiên giao dịch trên thị trường Mỹ sau khi đi ngang trong suốt phiên để chờ đợi. Giá vàng tương lai kết thúc phiên tăng nhẹ do đóng cửa trước cuộc họp báo của FED, nhưng ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 đã giảm mạnh 2,1%./.