Quyết định vào phút chót

Ngày 15/12, tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của lãnh đạo 28 nước thành viên EU trong năm 2016 tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước đã đi đến nhất trí gia tăng các biện pháp chống lại Nga.

Theo thông báo được phát đi, EU sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga tới ngày 31/7/2017. Thủ tục để chính thức kéo dài các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực hiện vào đầu tuần tới.

Trước quyết đinh trên của EU, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi phát biểu với báo chí đã hoan nghênh quyết định của Liên minh châu Âu.

“Cảm ơn sự đoàn kết, thống nhất của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, ông Poroshenko nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên EU tuyên bố gia tăng các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014. Trước đó, ngày 17/6, EU đã gia hạn thêm một năm lệnh cấm các giao dịch buôn bán với bán đảo Crimea.

Quyết định trên chỉ rõ lệnh trừng phạt sẽ được kéo dài tới ngày 23/6/2017, theo đó EU cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Crimea và mọi hoạt động đầu tư vào bán đảo này, cấm hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng như cấm xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ cho Crimea.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Tuy nhiên, hiện tại đang có những tranh luận gay gắt trong nội bộ các nước thành viên EU về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt Nga hay không. Một số nước thành viên EU đang muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Cụ thể mới đây, khu vực Veneto, bao gồm nhiều tỉnh thành quan trọng của Italia là Venezia (Venice), Verona, Vicenza, Treviso… đã thông qua nghị quyết thừa nhận Crimea của Nga và kêu gọi chính quyền Italia và Liên minh châu Âu hủy bỏ các biện pháp trừng phạt chống Moscow.

Hội đồng vùng Veneto kêu gọi chính phủ Italia “lên án chính sách đối ngoại của EU liên quan đến Crimea, đã phân biệt đối xử và không công bằng trong các nguyên tắc luật pháp quốc tế, yêu cầu thừa nhận ý chí của quốc hội và nhân dân Crimea, thể hiện qua cuộc trưng cầu dân ý”.

Theo văn bản của tài liệu được công bố, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân vùng Veneto Roberto Chambetti và người đứng đầu khu vực Luca Dzaya được ủy nhiệm làm việc với Chính phủ và Quốc hội Italia, cùng với EU nhằm xem xét lại quan hệ giữa EU và Nga.

Ngay sau khi Veneto trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên chính thức công nhận Crimea thuộc chủ quyền của Nga, một khu vực rất quan trọng của Italia và của cả châu Âu là vùng Lombardy cũng đang tích cực chuẩn bị cho hành động tương tự.

Lombardy là một trong những vùng lớn nhất Italia, đồng thời cũng là một trong các khu vực có đông dân nhất và cũng là một trong bốn khu vực giàu nhất của châu Âu, với nhiều nhiều trung tâm kinh tế-xã hội quan trọng của Italia như Milan, Bergamo, Brescia, Como, Mantova…

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Le Foll cũng tuyên bố, chính quyền Paris đang ủng hộ việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, tuy nhiên quyết định này nằm ở ban lãnh đạo của EU.

“Tất nhiên, tôi muốn những lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và Tổng thống Francois Hollande cũng mong muốn điều này. Tôi đã đi đến Nga để thảo luận về điều này với chính phủ Nga”, ông Le Foll tuyên bố.

Moskva trả đũa

Trả lời các kênh truyền hình Nga ngày 15/12, Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev cho biết: “Chúng ta vẫn duy trì những biện pháp này đến nay nhưng nên sẵn sàng khi thời gian này kết thúc, không sớm thì muộn, và sự cạnh tranh sẽ quay trở lại”.

Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp là cần thiết để các ngành này có thể cạnh tranh với phương Tây.

Thủ tướng Nga cũng đồng thời cho hay, những biện pháp cấm vận Nga đang áp dụng nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nội địa. Nhiều công ty Nga cũng đã yêu cầu chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp này.

“Chúng ta áp đặt lệnh cấm không nhằm chọc giận các đối tác phương Tây mà chủ yếu để phát triển kinh tế của chúng ta. Bởi vì cơ hội họ có, các doanh nghiệp Nga đã đề nghị chúng tôi không chấm dứt các lệnh này”, ông Medvedev cho biết.

Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lệnh cấm với một số mặt hàng thực phẩm phương Tây có lợi cho kinh tế Nga và do đó nên được duy trì “lâu nhất có thể”. Theo ông Putin, các lệnh cấm cũng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với các sản phẩm chất lượng cao với giá thành thấp hơn có mặt nhiều hơn trên thị trường.

Điện Kremlin đã áp đặt lệnh cấm vận với sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và nguyên liệu thô của EU sau khi Brussels thông qua các lệnh cấm vận chống Nga năm 2014. Kể từ thời điểm đó đến nay, hai phía đã nhiều lần mở rộng và gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau./.