Italy thông qua kế hoạch giải cứu các ngân hàng gặp khó khăn

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni ngày 23/12 thông báo chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn, đặc biệt là ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte dei Paschi di Siena (BMPS).

Thủ tướng Paolo Gentiloni cho biết mục tiêu của Chính phủ Italy là đảm bảo các khoản tiền gửi của người dân, đồng thời làm cho ngành ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn và vững chắc hơn.

Thông báo trên đưa ra ngay sau khi ngân hàng BMPS công bố kế hoạch huy động khoản vốn 5 tỷ Euro (khoảng 5,3 tỷ USD) đã thất bại và cần đến gói cứu trợ của chính phủ.

Trước đó, ngân hàng BMPS, ngân hàng lớn thứ ba Italy, đã đưa ra chương trình huy động khoản vốn 5 tỷ Euro từ nay cho đến cuối năm nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu trầm trọng.

Động thái này của BMPS là nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn khả năng phải nhờ đến sự can thiệp của chính phủ.

Hy Lạp hoãn tăng thuế tại một số nơi ảnh hưởng bởi làn sóng di cư

Ngày 21/12, với 259 phiếu thuận trong tổng số 300 ghế, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua đề xuất hoãn tăng thuế doanh thu trên một số đảo bị tác động bởi làn sóng người di cư, một biện pháp từng gây nhiều tranh cãi đối với các chủ nợ quốc tế của quốc gia Nam Âu này.

Việc hoãn tăng thuế là một phần trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ Hy Lạp được công bố hồi đầu tháng này cùng với việc hỗ trợ duy nhất một lần cho những người nghèo nhất trong nhóm hưởng lương hưu, sau khi Chính phủ Hy Lạp ghi nhận mức thặng dư thuế 1 tỷ Euro.

Theo chính sách mới, từ nay đến năm 2018, Chính phủ Hy Lạp chưa triển khai việc tiếp tục áp thuế doanh thu ở mức tối đa 17% đối với các đảo của Hy Lạp nằm ở phía Đông biển Aegean (Lesbos, Chios, Samos, Leros và Kos) và mức 24% đối với các khu vực còn lại trên lãnh thổ nước này.

Nhật Bản thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2017

Ngày 22/12, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục, trị giá 97.450 tỷ Yen (831 tỷ USD) cho tài khóa 2017.

Giới phân tích nhận định kế hoạch ngân sách kỷ lục này khiến cho Nhật Bản khó đạt mục tiêu hạn chế chi tiêu và khôi phục lại sức mạnh tài chính.

Chi phí an sinh xã hội tăng mạnh, chi tiêu quốc phòng tăng năm thứ 5 liên tiếp và các chi phí đầu tư vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng là các yếu tố khiến ngân sách trong kế hoạch ngân sách tài khóa 2017 (bắt đầu từ ngày 1/4/2017) tăng lên mức kỷ lục.

Theo kế hoạch ngân sách, chi phí an sinh xã hội tài khóa 2017, bao gồm lương và chi phí y tế, tăng 1,6%, lên mức 32.470 tỷ Yen.

Chi phí quốc phòng lên tới 5.130 tỷ Yen, tăng 1,4% so với tài khóa hiện nay, trong đó bao gồm chi phí thành lập lực lượng đổ bộ giống lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vào cuối tài khóa (kết thúc vào tháng 3/2018) và hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo mới được bố trí trên biển. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngân sách quốc phòng Nhật Bản vượt hơn 5.000 tỷ Yen.

Hàn Quốc có nguy cơ tổn thất hơn 1 tỷ USD do dịch cúm gia cầm

Dịch cúm gia cầm H5N6 đang lan nhanh tại Hàn Quốc gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trứng và thịt gà vốn được tiêu thụ với số lượng lớn này.

Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Các vấn đề nông thôn Hàn Quốc cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng nước này đã tiêu hủy khoảng 20 triệu gia cầm trong bối cảnh “cơn bão” H5N6 đang hoành hành trên khắp nước này. Con số trên chiếm gần 25% quy mô đàn gia cầm hiện nay tại Hàn Quốc.

Chuyên gia phân tích Chung Min thuộc Viện Nghiên cứu Hyundai dự đoán nếu 30% quy mô đàn gia cầm tại Hàn Quốc bị nhiễm dịch cúm gia cầm, các thiệt hại kinh tế gây ra ước tính lên đến 1.400 tỷ won (1,17 tỷ USD)./.