1. Cơn địa chấn Brexit

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy trong năm 2016 đã gây ra một loạt cơn "địa chấn" làm rung chuyển các nước phương Tây. Bắt đầu được nhắc tới nhiều từ kết quả một số cuộc bầu cử ở châu Âu, song cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 ở Anh mới thực sự gây sốc cho toàn thế giới khi người dân "xứ sở sương mù" lựa chọn rời Liên minh châu Âu, sự kiện được gọi là Brexit, dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế.

51,9% người dân Anh đồng ý rời khỏi EU

Nguyên nhân chính của chiến thắng Brexit là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường được xem là ít cởi mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn. Bởi vậy, những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Anh, khiến cử tri Anh quyết định quay lưng lại với EU. Thủ tướng Cameron buộc phải từ chức, Thủ tướng mới của nước Anh là bà Theresa May.

Thị trường chứng khoán, vàng, dầu thô, tiền tệ đều biến động kỷ lục vì sự kiện này. Cụ thể, Bảng Anh có ngày mất giá mạnh nhất lịch sử, khi giảm hơn 8% so với USD. Trong ngày, có lúc mức giảm lên tới 10%, xuống đáy 30 năm so với USD. Các thị trường châu Âu cũng lao dốc ngay lập tức. Thậm chí, chỉ trong nửa ngày sau đó, nhiều ngân hàng đã mất đi 1/3 vốn hóa.

Thay vào đó, các nhà đầu tư chọn vàng và yen Nhật làm nơi trú ẩn khiến giá các tài sản này tăng vọt. Chỉ 1 ngày sau khi có kết quả, giá vàng có lúc tăng 100 USD/ounce còn Yen Nhật cũng mạnh lên đáng kể so với USD và euro.

Hàng loạt ngân hàng trung ương tại Anh, châu Âu và Mỹ sau đó đã phải lên tiếng trấn an thị trường và cam kết bơm tiền hỗ trợ các nhà băng để đối phó với biến động.

2. Tài chính thế giới chao đảo sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là màn trình diễn đỉnh cao của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ. Cũng như người Anh muốn nước này rút khỏi EU, ông Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Washington là thành viên, điển hình là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cam kết những lao động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ được đưa trở lại nước Mỹ.

Với những chính sách như vậy, tỷ phú Donald Trump đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11, vượt qua ứng cử viên nặng ký là bà Hillary Clinton để trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ nhậm chức ngày 20/1 tới.

Donald Trump đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11

Ngay lập tức, thị trường chứng khoán toàn cầu nhuốm sắc đỏ và giá vàng bật tăng mạnh. Theo đó, giá vàng tăng mạnh nhất trong hơn 5 tuần liền trước. Vàng đánh dấu mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 06/2016, khi đó, vàng tăng 8% sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu .

3. OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản xuất

Cuối tháng 11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã họp tại Vienna (Áo), đồng ý cắt giảm sản xuất 1,2 triệu thùng một ngày, bắt đầu từ tháng 1/2017. Mức giảm này tương đương 3%, đưa sản xuất tổng về 32,5 triệu thùng một ngày. Sau quyết định của OPEC, giá dầu thế giới đã tăng hơn 10%.

Thỏa thuận nhằm mục đích hạ trữ lượng dầu cao kỷ lục trên toàn cầu. Vượt qua những bất đồng giữa nhóm ba nhà sản xuất lớn nhất - Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq – cuối cùng, quyết định nhóm OPEC đã khiến những người theo dõi ngừng ‘thấp thỏm’, và kỳ vọng sẽ là dấu chấm cho đà giảm sâu của giá dầu từ năm 2014. Con số cắt giảm này cũng cao hơn nhiều sự kỳ vọng, mở ra cả ngoài OPEC. Đặc biệt, Nga cũng chấp thuận cắt giảm chưa từng có với sản lượng của mình.

Thỏa thuận của OPEC vượt ngoài dự kiến

Tháng 12, một cuộc họp giữa các nước OPEC và phi OPEC cũng cho ra kết quả tương tự. Động lực lớn nhất giúp các nước đưa ra quyết định này là hậu quả kinh tế mà giá dầu giảm gây ra với các nước sản xuất lớn, như Saudi Arabia. Họ đã phải lên kế hoạch niêm yết hãng dầu mỏ quốc doanh - Aramco năm 2018, và đặt mục tiêu duy trì giá dầu trên 50 USD một thùng.

4. Hồ sơ Panama gây rúng động

Vụ rò rỉ tài liệu mật với hơn 11 triệu tài liệu được công bố đã vén màn bí mật về các hoạt động trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970. “Hồ sơ Panama” được cho là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, thậm chí lớn hơn vụ tiết lộ của WikiLeaks năm 2010 vì phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực.

Hồ sơ Panama tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức thế giới, trong đó có liên quan đến 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia như gia đình và cộng sự của cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).

Vụ việc đã gây chấn động toàn cầu, buộc chính quyền và cơ quan chức năng nhiều nước phải vào cuộc điều tra; nhiều quan chức, chính trị gia một số nước phải từ bỏ vũ đài chính trị.

5. Ấn Độ vượt Anh thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

Năm 2016 được xem là năm thành công đối với Ấn Độ về kinh tế. Lần đầu tiên trong 150 năm qua, Ấn Độ vượt qua Anh – mẫu quốc trước đây của nước này - trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh chóng

Tính theo tỷ giá hối đoái ngày 16/12, giá trị GDP của Ấn Độ là 2.300 tỷ USD, trong khi GDP của Anh là 2.290 tỷ USD.

Theo IMF, nền kinh tế Ấn Độ được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong 25 năm qua và bảng Anh rớt giá mạnh (gần 20%) trong 12 tháng trở lại đây. Năm 2016, nền kinh tế Ấn Độ được hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá hàng hóa toàn cầu, trong khi lạm phát thấp hơn dự kiến.

Sự kiện trên là dấu mốc có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện đối với Ấn Độ và thế giới./.