Theo Báo cáo thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc với chủ đề “Kinh tế Trung Quốc: 6 tháng đầu năm 2013 và triển vọng” của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì, kể từ quý I/2010, thì tăng trưởng GDP của quốc gia này liên tiếp có sự sụt giảm trong các quý. Trong đó, GDP quý I là 7,7%; quý II là 7,5% thấp nhất kể từ quý II/2009; nửa đầu năm là 7,6%.

Và sự khác biệt so với thời điểm năm 2009 và 2010 đó là sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc đến từ các vấn đề nội tại như tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế này nhiều hơn là chịu tác động từ bên ngoài.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, thì “cơ cấu đầu tư của Trung Quốc ngày càng dựa nhiều hơn vào đầu tư và tiêu dùng”, đóng góp từ xuất khẩu ròng là rất thấp.

Lạm phát trong nửa đầu năm 2013 cũng giảm đi, cụ thể là 2,4%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với năm ngoái, và chủ yếu là do nhóm CPI thực phẩm quyết định. Nguyên nhân CPI thấp là do: suy giảm cầu trong nước nên áp lực tăng giá không lớn; nông nghiệp trong nước được mùa và giá nông sản thế giới giảm; chính sách tiền tệ ổn định lành mạnh và chính sách tài khóa tích cực.

Trong đó, Báo cáo tập trung nghiên cứu những thành phần tác động đến tổng cung và tổng cầu nhằm làm rõ nguyên nhân suy giảm tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Cụ thể như sau:

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) 6 tháng đầu năm 2013 mặc dù đều trên ngưỡng mở rộng sản xuất (50) nhưng ở mức thấp nhất trong 8 năm qua, đặc biệt, PMI tháng 6 suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2012. Số liệu PMI của HSBC cho thấy, PMI của Trung Quốc đã rơi xuống ngưỡng thu hẹp sản xuất kể từ tháng 5/2013 sau 6 tháng trên mức 50. Điều này cho thấy số liệu tăng trưởng sản xuất công nghiệp không phản ánh hết khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp. Dự báo nền tảng phục hồi sản xuất công nghiệp của Trung Quốc còn chưa bền vững.

- Tăng trưởng sản xuất công nghiệp nửa đầu năm chỉ đạt 9,3%, thấp hơn giảm 1,6 điểm phần trăm so với mức tăng của 2012. Tốc độ tăng trưởng liên tục giảm từ tháng 1 tới tháng 6. Và 3 vấn đề mà sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang gặp phải, đó là: Suy giảm cầu trong và ngoài nước, đồng thời một số ngành sản xuất hiện dư thừa sản lượng do sản xuất vượt quá sản lượng tiềm năng; Chi phí gia tăng; Việc thu hồi vốn của doanh nghiệp nhà nước đều suy giảm.

- Chi tiêu Chính phủ: Suy giảm mức tăng thu ngân sách rõ nét khi nửa đầu năm 2013 tăng trưởng thu ngân sách là 7,5%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng thu ngân sách có 4 tháng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Thu Trung ương suy giảm mạnh nhất chỉ tăng 1,5%, suy giảm tăng trưởng thu khiến mức thu tăng thêm suy giảm.

Trong đó, Báo cáo lưu ý đến một số vấn đề Chi tiêu Chính phủ đó là: Tỷ trọng thuế/GDP tăng nhanh, bằng các nước phát triển (theo tính toán của Trung Quốc thì năm 2007 là 20%). Để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách địa phương gia tăng nhanh và bù đắp thâm hụt, thì Chính phủ tăng tài trợ thông qua nợ, dẫn đến tỷ lệ đòn bẩy tăng nhanh và có thể gia tăng rủi ro.

Hiện nay, nợ công của quốc gia này ước lượng khoảng 10.700 tỷ NDT. Bên cạnh đó, trong khi xu hướng của thế giới là đầu tư/GDP giảm xuống thì Trung Quốc lại tăng lên, tỷ lệ ICOR cũng khá cao (2009-2011 là 5,0; Nhật giai đoạn 1961-1970 là 3,2, Đài Loan giai đoạn 1981-1990 là 2,7); tỷ lệ tiết kiệm/GDP rất cao…

Trong buổi công bố Báo cáo trên của VEPR (ngày 30/7), chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh đã nêu ra một nhân tố ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường, ông dẫn chứng, “tác hại của ô nhiễm môi trường đã làm giảm đi 3,5% GDP của quốc gia này”.

Còn TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì lại đưa ra một nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc không chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài, “nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế tự thân nó tạo ra”. Bởi vậy, hàm ý bài học đối với Việt Nam là chúng ta phải luôn chủ động trong mọi tình huống, như việc điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội hay điều chỉnh chỉ tiêu GDP cho hợp lý./.