Khi điểm chuyển hoán Lewis trùng/ở gần điểm C

Bài nghiên cứu của GS. Trần Văn Thọ dựa trên việc phân tích ba giai đoạn phát triển của một nền kinh tế.

Điểm C chỉ giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình. Một nước có thu nhập đầu người 500 USD nếu phát triển trung bình năm là 7% (không phải tốc độ GDP mà là tốc độ thu nhập đầu người) nghĩa là tăng gấp đôi thu nhập đầu người trong 10 năm, thì nước nầy cần bội tăng thu nhập 3 lần (cần 30 năm) để đạt mức 4.000 USD hoặc cần 40 năm để đạt 8.000 USD là những mức thuộc thu nhập trung bình cao. Nếu thu nhập trung bình tăng mỗi năm 5% thì nước nầy cần từ 45 - 60 năm mới đạt được mức thu nhập trung bình cao nói trên.

Để đạt đến điểm C là một quá trình dài chuyển một nước từ nông sang công nghiệp, trong đó công nghiệp và dịch vụ ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong GDP và cơ cấu lao động có việc làm. Đó cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu lợi thế so sánh và nhiều mặt khác của nền kinh tế như thị trường lao động, thị trường vốn và trình độ công nghệ, kỹ thuật. Khi nền kinh tế đạt điểm C, điểm ghi mức thu nhập trung bình, chắc chắn sẽ gặp những vấn đề mới, những thách thức mới, vì nếu không thì sẽ không có vấn đề bẫy thu nhập trung bình.

GS. Trần Văn Thọ đã nêu giả thuyết rằng, trong thị trường lao động, nếu sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ dần dần thu hút hết lao động dư thừa ở nông thôn và trong nông nghiệp (điểm chuyển hoán lao động trong mô hình Lewis, 1954), tiền lương thực chất tăng theo và trên đại thể, điểm chuyển hoán Lewis trùng với (hoặc ở gần) điểm C.

Như vậy, từ điểm C, năng suất lao động phải cao hơn trươc để tương ứng với tiền lương thực chất bắt đầu tăng. Cũng từ điểm này, chất lượng lao động cũng phải cao hơn để kinh tế chuyển dịch từ cơ cấu có hàm lượng lao động giản đơn lên cơ cấu mà công nghiệp có hàm lượng lao động lành nghề, trình độ giáo dục cao. Nỗ lực về giáo dục, đào tạo phải lưu ý điểm nầy để cung cấp nguồn nhân lực thích đáng cho quá trình chuyển dịch lên nước có thu nhập cao.

Và, đề xuất

GS. Thọ đã kết luận rằng, đối với 4 nước ASEAN (Malaysia, Thailand, Philippines và Indonesia), tăng năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D), nhấn mạnh chất lượng và sự tương thích của nguồn nhân lực, và tạo cơ chế để hình thành một khu vực tư nhân năng động là điều kiện cần thiết để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Và những điểm chuyển hoán xung quanh “bẫy” có thể xảy ra của một nước có thu nhập trung bình được tổng hợp thành 3 yếu tố sau:

Thứ nhất, nỗ lực của nước thu nhập trung bình trong việc tăng chất lượng nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D). Yếu tố nầy quan trọng vì tạo điều kiện để chuyển nền kinh tế từ giai đoạn dư thừa lao động sang giai đoạn thiếu lao động, đồng thời chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng dựa trên đầu vào sang nền kinh tế tăng trưởng dựa trên TFP, đồng thời chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cơ cấu xuất khẩu theo hướng dùng nhiều kỹ năng và công nghệ cao.

Thứ hai, nỗ lực của nước thu nhập trung bình trong việc xây dựng thể chế chất lượng cao. Yếu tố nầy quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh mới, kích thích khu vực tư nhân ngày càng hướng vào cách tân công nghệ.

Thứ ba, với hai yếu tố vừa kể, cơ cấu lợi thế so sánh sẽ thay đổi không ngừng và nhờ đó duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Trung Quốc đã chạm đến điểm chuyển hoán Lewis

Trong 1 bài báo có tựa đề “Hitting China’s Wall” nhận định về kinh tế Trung Quốc đăng trên tờ New York Times của nhà kinh tế học đã từng đạt giải Nobel Paul Krugman, thì Trung Quốc đã chạm đến điểm chuyển hoán Lewis.

Một trong những tiền đề quan trọng trong mô hình Lewis là sự hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo của thị trường lao động. Nếu thị trường lao động kém phát triển hoặc bị méo mó (distortion), sẽ có hiện tượng thiếu lao động ở đô thị hoặc trong khu vực công nghiệp trong khi vẫn còn lao động dư thừa ở nông thôn.

Câu chuyện mà Krugman đề cập có chủ đề cơ bản: trong mấy thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã có được khả năng chi tiêu tiêu dùng không giới hạn nhờ vào nguồn cung lao động đến từ nông thôn dồi dào. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc mất cân bằng nghiêm trọng, gồm chủ yếu là đầu tư và tiêu dùng chỉ chiếm một phần nhỏ.

Giờ đây, mọi thứ đang thay đổi. Các khoản đầu tư hiệu quả không còn nhiều, và nguồn cung lao động dồi dào thì đang dần biến mất.

Trên thực tế, nguyên nhân thực sự khiến tiêu dùng Trung Quốc ở mức thấp là do các hộ gia đình gần như không thấy phần lớn thu nhập của họ đang được tạo ra từ sự tăng trưởng của nền kinh tế. Một phần chảy vào tầng lớp có lợi thế về mặt chính trị và phần lớn vẫn mắc kẹt ở các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước).

Đây là điều bất thường nhưng đã tồn tại trong suốt mấy thập kỷ. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã chạm đến điểm chuyển hoán Lewis. Tại điểm này, trong thị trường lao động, sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ dần dần thu hút hết lao động dư thừa ở nông thôn và trong nông nghiệp. Tiền lương sẽ tăng lên.

Đây có lẽ là một điều tốt. Tiền lương tăng lên và cuối cùng, người dân Trung Quốc cũng được hưởng thành quả tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là, nền kinh tế Trung Quốc đột ngột phải đối mặt với quá trình tái cân bằng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đầu tư đang bước vào thời kỳ hiệu suất suy giảm và sụt giảm nghiêm trọng, chi tiêu tiêu dùng phải tăng lên mạnh mẽ để thay thế đầu tư. Câu hỏi ở đây là liệu quá trình này có xảy ra đủ nhanh để tránh kịch bản lao dốc.