Khi General Motors (GM) nộp đơn xin phá sản hồi năm 2009, rất nhiều người nghĩ rằng đây là dấu chấm hết cho hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. GM đã cạn kiệt tiền mặt. Cổ phiếu của hãng sụt giảm chỉ còn 3 USD.

Tuy nhiên, chính tuyên bố phá sản lại giúp GM lật ngược thế cờ một cách nhanh chóng. Giờ đây, GM đã trở nên hùng mạnh và vững chãi hơn rất nhiều. Cổ phiếu của hãng cũng liên tục tăng giá. Và, năm ngoái, GM ghi nhận 6 tỷ USD lợi nhuận.

Giờ đây, Detroit cũng đang hi vọng sẽ có được bước đi ngoạn mục như GM. Hôm qua (18/8), thành phố này vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản và trở thành thành phố lớn nhất nước Mỹ làm như vậy.

Detroit sẽ giống với GM? (1)

Đã từng là một trong những thành phố lớn nhất và giàu có nhất của nước Mỹ, Detroit lâm vào tình trạng khó khăn trong nửa thế kỷ trở lại đây. Số lượng việc làm sụt giảm, dân số biến mất. Dân số của Detroit đã giảm từ mức 2 triệu trong những năm 1960 xuống còn 700.000 ở thời điểm hiện tại. Tỷ lệ thất nghiệp là 16%, cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của bang cũng như của cả nước Mỹ. Thành phố này hiện đang gánh khoản nợ 17 tỷ USD, tương đương 25.000 USD trên mỗi công dân.

Tháng 3 vừa qua, Thị trưởng bang Michigan bổ nhiệm Kevyn Orr – một luật sư chuyên về phá sản – làm người đứng đầu cơ quan tình huống khẩn cấp của Detroit. Hai tháng sau, Orr tuyên bố thành phố này vỡ nợ. Đến tháng 6, ông công bố kế hoạch tái cấu trúc nợ và các nghĩa vụ của Detroit.

Một số người cho rằng Detroit nên bán một số tác phẩm nghệ thuật có giá trị để trả nợ. Một số người khác gợi ý giảm phúc lợi y tế cho bộ phận hưu trí. Orr tuyên bố phải gia hạn 2 tỷ USD nợ không có thế chấp. Ông muốn người dân Detroit hiểu rằng thành phố này ở trong cơn bĩ cực.

Có lẽ, người dân Detroit đã biết rõ về điều này. Hơn 1/3 dân số sống dưới mức nghèo đói. Thành phố đang mục rũa. Gần một nửa số đèn đường không hoạt động, phần lớn các công viên đóng cửa. Trường học cũng ở trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Không có gì khó đoán, tội phạm gia tăng mạnh mẽ ở thành phố này. Sẽ phải mất 1 giờ đồng hồ chờ đợi sau khi gọi 911 và chỉ có 1/3 số xe cứu thương có thể hoạt động.

Phá sản có nghĩa là những công dân của Detroit sẽ phải đối mặt với tình trạng các dịch vụ công cộng bị cắt giảm. Bộ phận công chức và hưu trí bị cắt giảm phúc lợi xã hội một lần nữa. Không chỉ có vậy, các chủ nợ cũng phải chịu thiệt thòi. Theo tờ Detroit News, kế hoạch phá sản của Detroit cũng tương tự với kế hoạch tái cấu trúc của Orr.

Không chỉ có người dân Detroit, các thành phố lân cận cũng đang lo lắng vấn đề về ngân sách của Detroit sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đi vay. Mặc dù vậy, Thống đốc Synder tin rằng để cho Detroit phá sản là lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề đã tồn tại suốt 6 thập kỷ.

Về phần GM, hãng hi vọng rằng vụ phá sản sẽ đánh dấu một bước khởi đầu mới tốt đẹp dành cho thành phố. Trong bản thông báo, GM khẳng định ngành sản xuất ô tô vững mạnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự trở lại của Detroit.

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist