Saudi Arabia giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức đặc biệt thấp

Ngày 12/1, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Falih cho biết nước này đã giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua và đang đi đầu trong các nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm giảm tình trạng dư thừa nguồn cung, giúp giá “vàng đen” đang lên cao.

Saudi Arabia đang đi đầu trong các nước OPEC nhằm giảm tình trạng dư thừa nguồn cung

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu ở Abu Dhabi, Bộ trưởng Falih thông báo sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015 khi Riyadh bắt đầu tăng mạnh sản lượng dầu mỏ để cạnh tranh với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, góp phần đáng kể vào nguyên nhân khiến giá dầu tụt dốc.

Ông Falih cho biết hiện nước này có kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ nhiều hơn nữa vào tháng 2 tới. Bộ trưởng Falih cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và giá dầu theo đó sẽ tăng.

Mỹ mở đường cho việc dỡ bỏ cấm vận thương mại với Sudan

Ngày 13/1, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã có những bước đi tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Sudan trong 20 năm qua với việc dỡ bỏ phong tỏa tài sản và những trừng phạt tài chính, một động thái mà Nhà Trắng gọi là phản ứng với sự hợp tác của quốc gia châu Phi này trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức cực đoan khác.

Phát biểu qua điện thoại với các phóng viên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama nói: "Sudan lâu nay đã bày tỏ nguyện vọng được dỡ bỏ trừng phạt cũng như các hạn chế khác mà Mỹ đã áp đặt với Sudan 20 năm qua. Trong 2 năm gần đây, chúng tôi đã tìm kiếm cách thức can dự với Sudan theo hướng có thể vượt qua sự thiếu tin tưởng trong quá khứ”. Ông cho biết các cuộc đàm phán với Khartoum đã được tăng cường trong 6 tháng qua.

Động thái trên, được đưa ra trong những ngày cuối cùng của chính quyền Obama, sẽ được bảo lưu trong 180 ngày để xem xét liệu Sudan có cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện tình hình nhân quyền, giải quyết các xung đột chính trị và quân sự, trong đó có cuộc xung đột ở Darfur.

WB: Kinh tế thế giới tăng trưởng khiêm tốn trong những năm tới

Ngày 10/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra ra dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi khiêm tốn trong những năm sắp tới trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa thế giới đang dần hồi phục, cũng như tình hình kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được cải thiện.

Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu," WB dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đạt tăng trưởng 2,7%, cao hơn mức 2,3% trong năm 2016, và sẽ đạt 2,9% trong năm 2018.

Báo cáo của WB cũng nhận định tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ lần lượt đạt 4,2% và 4,6% trong năm nay và năm 2018, tăng so với mức 3,4% trong năm ngoái.

Những nền kinh tế này được đánh giá sẽ đóng góp 1,6% đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, lần đầu tiên chiếm khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2013.

Thế giới giành 2,3% tổng GDP toàn cầu cho chạy đua vũ trang

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), sau nhiều thập kỷ duy trì hoặc giảm chi phí quân sự, cuộc chạy đua vũ trang quay trở lại vào giữa năm 2015 với số tiền lên đến 1.676 tỷ USD, tương đương với 2,3% tổng GDP của toàn thế giới, trong đó Mỹ đã chiếm 40%, với khoảng 622 tỷ USD.

Sau 15 năm tương đối giải trừ vũ khí, châu Âu chuyển sang chiến lược phòng thủ. Trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), hiện chỉ có 4 nước trong tổng số 28 nước thành viên tôn trọng mục tiêu 2% GDP dành cho quốc phòng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ấn định.

Nếu các nước khác cũng phải tuân theo mục tiêu trên, tổng chi phí của toàn khối quân sự này sẽ ở mức 100 tỷ USD hàng năm./.