Thông cáo ngày 20/1 từ Nhà Trắng nêu rõ: "Với các thỏa thuận công bằng và chắc chắn, thương mại quốc tế có thể được vận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa hàng triệu việc làm trở lại Mỹ và làm hồi sinh các cộng đồng đang bị tổn thương của nước Mỹ. Chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi hiệp định TPP và đảm bảo rằng mọi thỏa thuận thương mại mới sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ".

Thông cáo cho biết, Mỹ sẽ có động thái cứng rắn đối với những quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại (với Mỹ) và theo đó gây tổn hại đến người lao động Mỹ.

Tuy vậy, Nhà Trắng cũng khẳng định, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tái đàm phán một hiệp định thương mại khác đó là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mexico.

“Đã từ quá lâu, người Mỹ đã bị buộc phải chấp nhận những hiệp định thương mại đặt lợi ích của những kẻ tay trong và giới thượng lưu Washington lên trên lợi ích của nhân dân lao động trên đất nước này”, Nhà Trắng tuyên bố. Kết quả là, các thị trấn và thành phố lao động đã phải chứng kiến cảnh nhà máy đóng cửa và những công việc lương cao bị chuyển ra nước ngoài, trong khi người dân Mỹ đối mặt với thâm hụt thương mại ngày càng tăng và những cơ sở sản xuất bị tàn phá.

Mỹ đã ký kết TPP, nhưng hiện hiệp định thương mại gồm 12 nước thành viên trải dọc vành đai Thái Bình Dương này vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. TPP được xem là trụ cột kinh tế trong chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc.

Hiệp định đã vấp phải nhiều nghi ngại bên trong nước Mỹ từ những người cho rằng hiệp định tốn kém thời gian này chỉ củng cố thêm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực mà thôi.

Đây là quyết định sẽ khiến không ít đối tác của Mỹ thất vọng, song không hề gây ngạc nhiên vì nó phản ánh đúng quan điểm xuyên suốt của tổng thống Donald Trump từ trước đến nay.

Còn nhớ, trong một đoạn video được công bố ngày 21/11, ông Trump đã tuyên bố sẽ đưa ra hàng loạt quyết định trong ngày nhậm chức 20/1/2017. Trong đó, quyết định đầu tiên được ông nhắc đến là việc Mỹ rút ra khỏi TPP.

Ông Trump đã gọi TPP là một thảm hoạ tiềm năng đối với nước Mỹ đồng thời khẳng định, chính quyền mới sẽ tạo ra các thoả thuận thương mại song phương công bằng, giúp mang lại việc làm cho công dân nước này.

Ngay cả trong phát biểu nhậm chức hôm 20/1, tân Tổng thống cũng không ngần ngại tuyên bố: “Thời đại nói suông đã qua. Bây giờ là thời khắc hành động… Từ bây giờ trở đi, nước Mỹ sẽ là trên hết. Nước Mỹ sẽ bắt đầu chiến thắng trở lại. Chiến thắng như chưa từng chiến thắng. Chúng ta sẽ mang việc làm trở lại, đưa biên giới của chúng ta trở lại, lấy lại tài sản của chúng ta và mang cả những giấc mơ của chúng ta trở lại”.

Ngay sau thông cáo của Nhà Trắng, Kênh truyền hình Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Thương mại của Malaysia ông Mustapa Mohamed, đại diện một trong 12 quốc gia thành viên của TPP nêu quan điểm phản hồi gần như sớm nhất về lập trường của chính quyền mới ở Mỹ với TPP. Ông Mustapa cho biết rất thất vọng trước quyết định rút khỏi TPP của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong diễn biến liên quan, sáng 20/1, vài giờ trước lễ nhậm chức Tổng thống của ông Trump, nội các của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua TPP, một tháng sau khi Quốc hội nước này phê chuẩn TPP và thông qua đạo luật liên quan. Các động thái này đồng nghĩa với việc Nhật Bản đã hoàn tất các thủ tục trong nước cần thiết trong tiến trình thông qua Hệp định.

Tuy vậy, Bộ trưởng thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko nêu quan điểm trong cuộc họp báo sau cuộc họp của nội các chính phủ ngày 20/1 cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục vận động, thúc giục Mỹ tham gia TPP.

Trong khi đó, một thành viên khác của TPP là Canada cho biết vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi một hiệp định tự do thương mại đa phương mới với các quốc gia ở ven Thái Bình Dương, ngay cả khi giờ đây ông Trump đã phát đi tín hiệu sẽ rút nước Mỹ khỏi TPP.

Ngay trước khi lễ nhậm chức của ông Trump diễn ra, Bộ trưởng thương mại Canada, ông Francois-Philippe Champagne cho biết, Canada sẽ xem xét mọi lựa chọn hợp tác khác với các nước thành viên khác trong TPP, trong đó có cả khả năng giữ lại một thỏa thuận TPP mà không còn Mỹ.

Những quan điểm của ông Champagne cho thấy tín hiệu lạc quan của Canada về việc TPP vẫn có thể tồn tại ở một dạng thức nào đó mà không có Mỹ./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/malaysia-trade-chief-disappointed-by-trump-s-tpp-stance/3453814.html

http://www.japantimes.co.jp/news/2017/01/20/business/economy-business/japan-ratifies-tpp-despite-bleak-outlook-trump/

http://www.abc.net.au/news/2017-01-21/donald-trump-trade-strategy-starts-with-quitting-asia-pact/8200426