Trong bối cảnh một loạt rủi ro và bất ổn đối với kinh tế toàn cầu gia tăng, kinh tế thế giới năm 2016 chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại. Hầu hết các nền kinh tế đều cho thấy sự tăng trưởng trì trệ, bất chấp những nỗ lực nới lỏng tài khoá và tiền tệ.

NHÌN LẠI NĂM 2016

Diễn biến của các nền kinh tế lớn

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong hai quý đầu năm 2016, sau đó tăng tốc trong quý III/2016. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế thường niên của Mỹ chỉ đạt 0,83% trong quý I/2016, 1,41% trong quý II/2016, song tăng vọt lên mức 3,5% trong quý III/2016. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11/2016 giảm xuống chỉ còn 4,6% so với mức trung bình 4,9% trong những tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm chủ yếu phản ánh số lượng người ngừng làm việc và ra khỏi lực lượng lao động tăng lên, trong khi số lượng việc làm được tạo ra ít do nền kinh tế Mỹ đã ở gần mức toàn dụng lao động. Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo đạt mức 1,5% trong năm 2016, giảm so với mức tăng 2,6% trong năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)năm 2016 đang chậm lại so với năm trước. Sau khi đạt mức tăng trưởng 0,49% trong quý I, tốc độ tăng trưởng của khu vực EU28 trong quý II và quý III giảm xuống các mức tương ứng là 0,4% và 0,44%, so với quý trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Eurozone cũng giảm từ 0,51% trong quý I xuống còn 0,3% trong quý II và 0,42% trong quý III. Nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau sự kiện Anh rời EU (Brexit), sản lượng sản xuất và dịch vụ của khu vực EU28 đã tăng trưởng khả quan hơn trong tháng 11/2016. Chỉ số PMI tăng điểm liên tục trong những tháng gần đây. Lạm phát tháng 11/2016 của cả Eurozone và khu vực EU28 tăng ở mức cao hơn so với đầu năm và cùng kỳ năm trước, chỉ số này được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới (từ 0,4%, 0,5% vào tháng 9 và tháng 10/2016). Tăng trưởng kinh tế khu vực EU28 và Eurozone dự báo đạt các mức tương ứng là 1,78% và 1,61% trong năm 2016, giảm so với mức 2,13% và 1,93% trong năm 2015.

Mặc cho những nỗ lực chính sách của Thủ tướng Abe, kinh tế Nhật Bản năm 2016 vẫn phục hồi chậm hơn năm 2015 và tiềm ẩn nhiều rủi ro.Quý I/2016, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đạt 0,53% so với mức -0,42% trong quý IV/2015, nhờ tiêu dùng cá nhân và đầu tư tư nhân trong lĩnh vực phi dân cư tăng khả quan. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản đã giảm tốc độ xuống mức 0,17% trong quý II và 0,08% trong quý III,do tác động tiêu cực của một số yếu tố, gồm: tiền lương tăng chậm, tiêu dùng cá nhân giảm và đồng Yen tăng giá.Xuất khẩu giảm liên tiếp và nhập khẩu cũng giảm do nhu cầu yếu. Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm ở mức 42,3% trong tháng 10/2016. Tiêu dùng cá nhân (chiếm gần 60% GDP) chỉ tăng 0,1% trong quý III, không đổi so với quý trước, một dấu hiệu cho thấy gói kích thích kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa lan toả sang khu vực hộ gia đình. Trước những bất ổn của nền kinh tế, đặc biệt là sự kiện Brexit, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích mới trị giá 28.000 tỷ Yen (tương đương 265 tỷ USD) ngày 02/08/2016 nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa và đảm bảo tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2016 được dự báo sẽ đạt mức 0,51%, giảm so với mức 0,59% trong năm 2015.

Kinh tế Trung Quốc đã có được những dấu hiệu khả quan hơn so với tình trạng suy giảm tăng trưởng của năm 2015. Tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt mức 1,74% trong quý I, 2,09% trong quý II và 1,15% trong quý III. Lĩnh vực tiêu dùng và ngành dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, bù đắp cho sự sụt giảm trong lĩnh vực công nghiệp, đầu tư và xuất khẩu. Chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 11/2016 đạt 51,2%, tăng 0,8 điểm % so với mức 50,4% của tháng 10/2016, cho thấy thị trường tiêu thụ đã cải thiện đáng kể, nhu cầu thị trường bao gồm cả doanh nghiệp được kỳ vọng lạc quan trong thời gian tới. Đặc biệt, từ năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc liên tục tăng, CPI tháng 10/2016 tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong năm 2016, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để ổn định tăng trưởng, như: nới lỏng tỷ lệ bội chi ngân sách từ 2,3% GDP năm 2015 lên 3% GDP trong năm 2016, cải cách giảm thuế và phí cho doanh nghiệp, tung các gói đầu tư hạ tầng quy mô lớn.Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự báo đạt mức 6,67% trong năm 2016, giảm so với mức 6,9% trong năm 2015.

Các nền kinh tế đang nổi khác suy giảm tăng trưởng trong quý I/2016 và dần phục hồi trong các quý tiếp theo. Kinh tế Nga đã suy giảm tăng trưởng trong 3 quý đầu năm 2016. Cụ thể, GDP của nước này trong năm 2016 có mức tăng trưởng âm trong quý I (-0,36%) và quý II (-0,56%), song có mức tăng trưởng dương vào hai quý tiếp theo với các mức tương ứng là 0,7% và 0,08%. Chỉ số PMI trong 5 tháng đầu năm 2016 liên tục dưới 50 điểm. Bước sang những tháng tiếp theo, tình hình kinh tế Nga có dấu hiệu khởi sắc. Chỉ số PMI của Nga đạt 52,4 điểm trong tháng 10/2016, tăng so với mức 51,1 điểm trong tháng 09/2016 do đơn đặt hàng tăng cao và nhiều doanh nghiệp mới thành lập góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản lượng.

Tại Ấn Độ, so với cùng kỳ năm 2015, tăng trưởng GDP đạt mức khá, lần lượt là 7,95% trong quý I, 7,10% trong quý II,6,72% trong quý III/2016 và 7,84% trong quý IV. Trong khi đó, kinh tế Brazil trong cả năm 2016 tăng trưởng âm liên tiếp, do cầu nội địa giảm. Tăng trưởng GDP của nước này, so với cùng kỳ 2015, giảm 5,41% trong quý I, giảm 3,76% trong quý II, 2,45% trong quý III và 1,23 trong quý IV/2016, trong khi chỉ số PMI tính từ đầu năm 2016 luôn dưới 50 điểm.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 của Nga, Ấn Độ và Brazil được dự báo sẽ đạt các mức tương ứng là -0,58%, 7,39% và -3,24%, so với các mức -3,7%, 7,24% và -3,85% trong năm 2015.

Các lĩnh vực chính của kinh tế thế giới

Tăng trưởng sản lượng toàn cầu đạt mức thấp trong 9 tháng đầu năm 2016 và phục hồi vào những tháng cuối năm. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng tại Nga và Brazil suy giảm, trong khi tốc độ tăng trưởng tại các nước phát triển (Mỹ, Anh, Eurozone) có dấu hiệu chững lại trong nửa đầu năm 2016. Trong những tháng cuối năm 2016, tình hình có cải thiện tại nhiều khu vực.

Thương mại toàn cầu năm 2016 tiếp tục trì trệ, dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 1,7%, mức thấp nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Nguyên nhân chủ yếu làm thương mại toàn cầu đình trệ là: (1) suy giảm nhập khẩu ở châu Á, Nam Mỹ, Bắc Mỹ; tăng trưởng kinh tế và đầu tư giảm, làm giảm động lực phát triển thương mại; (2) gia tăng chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ; (3) một số chuỗi giá trị toàn cầu suy giảm, nhất là ở khu vực Đông Á do tác động giảm tốc và tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc.

Về đầu tư toàn cầu, sau khi hồi phục mạnh trong năm 2015, dòng vốn đầu tư toàn cầu giảm mạnh trong năm 2016 chủ yếu do hoạt động M&A tại các nước phát triển giảm và thương mại toàn cầu tăng chậm lại. Nhiều khả năng, đầu tư toàn cầu sẽ khó phục hồi vào những năm tới và có thể có xu hướng chảy ngược trở lại các nền kinh tế phát triển do tác động của chủ nghĩa dân túy đang lên và tình trạng chính trị hóa vốn đầu tư trên thế giới. UNCTAD (tháng 10/2016) ước tính dòng vốn FDI vào các nước phát triển năm 2016 chỉ đạt 830-880 tỷ USD, giảm khoảng 11% so với năm trước. Theo đó, dòng vốn FDI toàn cầu năm 2016 ước tính sẽ giảm 10%-15% so với năm 2015. Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường đang nổi trong năm 2015 chịu tác động mạnh bởi giá dầu giảm và những bất ổn của kinh tế Trung Quốc (thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng Nhân dân tệ giảm giá, bong bóng bất động sản), khiến cho dòng vốn chảy ra ngoài ròng tăng mạnh (570 tỷ USD năm 2016 so với 3 tỷ USD năm 2014).

Đối với lĩnh vực tài khóa – tiền tệ, sự kiện Brexit và tình hình kinh tế tăng trưởng chậmđã khiến nhiều nước trên thế giới tiếp tục duy trì thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa trong năm 2016.Tại Mỹ, trong năm tài khóa 2016, thâm hụt ngân sách Mỹ tăng gần 34% (587 tỷ USD), song mức thâm hụt ngân sách này thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt hàng nghìn tỷ USD giai đoạn từ năm 2009-2013 khi chi tiêu chính phủ tăng vọt do phải bơm tiền cho các ngành kinh tế mũi nhọn nhằm khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Về chính sách tiền tệ, Mỹ đã nhiều lần trì hoãn tăng lãi suất do kinh tế chưa hồi phục như mong đợi và tác động của sự kiện Brexit. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ gây tác động làm tăng giá đồng USD, do ông Trump ủng hộ chính sách nâng lãi suất. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ tiếp tục chịu áp lực giảm giá do những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và xu hướng tăng giá của đồng USD. Đến ngày 14/12/2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, khiến đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác.

Tại khu vực châu Âu, ECB vẫn duy trì thực hiện các kế hoạch tài khoá nhằm kích thích kinh tế và hạn chế tác động tiêu cực của các biến động lớn. Đồng thời, ECB đã áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ tích cực, như: cắt giảm lãi suất, tăng cường mua trái phiếu của các thành viên và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng. Sự kiện Brexit ngay lập tức khiến đồng bảng Anh giảm giá so với các đồng tiền khác, trong bối cảnh đồng tiền này vốn chịu sức ép giảm giá xung quanh thời điểm cuộc trưng cầu dân ý sắp xảy ra.

Tại các khu vực khác, lo ngại về việc đồng tiền tăng giá so với đồng bảng Anh khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh, có thể khiến các nước phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hạn chế đà tăng giá của đồng nội tệ.

Nhật Bản vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách Abenomics để kích thích kinh tế, trong đó 2 trụ cột quan trọng là nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Năm 2016, nội các Nhật Bản đã thông qua mức ngân sách 96,72 nghìn tỷ Yen (gần 800 tỷ USD) cho tài khóa 2016. Đây là mức ngân sách cao nhất kể từ trước đến nay, vượt mức 96,34 nghìn tỷ Yen của tài khoá 2015, trong đó 1/3 ngân sách tài khóa 2016 dành cho an sinh xã hội, chú trọng giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm và tình trạng già hóa dân số đang tăng nhanh. Kinh tế tăng trưởng thấp trong khi đồng Yen tiếp tục tăng giá cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản tiếp tục tung ra các gói kích thích tiền tệ mới.

Trong khi đó, nhằm phục hồi kinh tế, Trung Quốc vẫn hướng tới những gói hỗ trợ tài chính để kích thích nền kinh tế nhằm tái cân bằng trong các hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, khi thị trường tài chính liên tục chịu tác động từ những sự kiện mang tính toàn cầu (sự kiện Brexit, kết quả bầu bầu cử Tổng thống Mỹ, hay quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC) đã khiến cho chính phủ nước này phải có những động thái tác động vào thị trường tài chính nhằm giữ ổn định cho giá đồng Nhân dân tệ, như: thực hiện nới lỏng tiền tệ và nhiều lần can thiệp phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Giá cả hàng hoá thế giới 11 tháng đầu năm 2016 tăng 30% so với thời điểm đầu năm do giá nhiên liệu, đặc biệt là giá dầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm, giá dầu thế giới đã tăng 65% do các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đạt thoả thuận giảm sản lượng trong tháng 09/2016. Bên cạnh đó, giá than đá cũng tăng mạnh tới 87% trong 11 tháng do cắt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác của Mỹ và Trung Quốc, trong khi nhu cầu than đá tại các thị trường mới nổi châu Á vẫn mạnh. Riêng đối với kim loại quý có những biến động phức tạp hơn trong năm nay. Sau sự kiện Brexit và Donald Trump lên làm tổng thống, giá vàng hai lần đã tăng vượt ngưỡng 1.300 USD/oz – mức cao nhất trong 21 tháng trước đó.

Tự do trao đổi thương mại tiếp tục phát triển, nhưng phải được điều chỉnh một cách mạnh mẽ và phù hợp để giảm bớt bất bình đẳng, những xung đột lợi ích, chênh lệch giàu nghèo do hoạt động này tạo ra. Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 3,1% nếu những động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại tiếp tục được duy trì, song có thể sẽ chỉ đạt mức 1,8% nếu các yếu tố cản trở thương mại toàn cầu như bảo hộ thương mại, xu hướng chống toàn cầu hóa tiếp tục tăng.

Dòng vốn đầu tư toàn cầu, theo UNCTAD (tháng 06/2016), sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2017 ở mức 1.600-1.720 tỷ USD (so với mức 1.500-1.590 tỷ USD trong năm 2015) và tăng lên 1.800 tỷ USD trong năm 2018, song vẫn dưới mức đỉnh điểm trong thời gian trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Trong đó, vốn FDI đổ vào các nước phát triển được dự báo ở mức 870-930 tỷ USD và các nước đang phát triển được dự báo ở mức 690-735 tỷ USD.

Đối với lĩnh vực tài khóa, chính sách tài khóa được dự báo sẽ được mở rộng tại các nền kinh tế phát triển, trong khi đó có xu hướng trung hòa và không thay đổi nhiều so với năm trước tại các nền kinh tế đang nổi.

Thị trường tài chính - tiền tệ thế giới cũng chứa đựng nhiều rủi ro có thể ảnh hướng tới kinh tế thế giới trong những năm tới. Ở châu Âu, những sự kiện gây bất ổn chính trị, như: Brexit, sự kiện chính trị ở Italia, cùng những bất ổn đang tăng dần đối với nền kinh tế chủ chốt Pháp, Hà Lan hay Đức cũng gây ra những bất ổn lớn cho nền tài chính toàn châu Âu. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong năm 2017, châu Âu sẽ hạn chế ban hành những gói hỗ trợ tín dụng mới, mà thay vào đó tập trung thi hành các quy định về ngân sách do những bất ổn chính trị đang khiến cho ngành ngân hàng đối mặt với cuộc khủng hoảng. Trung Quốc sẽ tiếp tục có những chính sách linh hoạt để ổn định tỷ giá. FED cũng phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2017, thay vì hai lần như dự báo trước đó. Đến năm 2018, lãi suất liên bang được dự báo ở mức 2,125%.

Hơn nữa, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống với khuynh hướng chính sách yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia đưa lợi nhuận về nước sẽ càng tác động đến đà tăng giá của đồng tiền này, do nhu cầu USD tăng cao khi các doanh nghiệp buộc phải sử dụng đồng USD khi chuyển lợi nhuận về Mỹ. Dự báo trong năm 2017, chỉ số USD Index có thể đạt mức 115 điểm, và đến năm 2020, chỉ số này được dự báo đạt 100 điểm.

Giá của các loại mặt hàng cơ bản nhìn chung có xu hướng tiếp tục duy trì trong năm 2017. Đối với mặt hàng dầu thô, IMF dự báo nhu cầu dầu chỉ tăng nhẹ lên 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2017.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEAtháng 11/2016, nguồn cung dầu dự báo tăng 0,6 triệu thùng/ngày đối với các nước OPEC và nguồn từ các nước ngoài OPEC tăng 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2017. Sản lượng dầu thô giảm 0,9 triệu thùng/ngày lên 97,2 triệu thùng/ngày trong năm 2016 và dự báo giảm xuống 0,5 triệu thùng vào năm 2017.

Do đó, hầu hết các tổ chức đều dự báo giá dầu tăng vào năm sau. Ngày 29/12/2016, IMF dự báo giá dầu trung bình thế giới sẽ tăng lên mức 50,64 USD/thùng trong năm 2017 (năm 2016 là 42,96 USD/thùng), với 4 quý lần lượt là 49,48 USD/thùng, 50,34 USD/thùng, 51,11 USD/thùng và 51,64 USD/thùng.

Trong đó, kết quả việc sử dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu NiGEM V.4.16-b của tác giả cho thấy, trong năm 2017, giá kim loại tăng 2,1% trong năm 2017, giá nguyên liệu đầu vào ngành nông nghiệp tăng 6,5%, giá thực phẩm toàn cầu giảm 2,78%, giá đồ uống toàn cầu giảm 0,07% so với năm 2016.

Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ có nhiều biến động trong năm 2017 do những thay đổi về chính sách kinh tế, cũng như chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Donald Trump. Ông Trump dự kiến sẽ cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu chính phủ, từ đó có thể làm gia tăng lạm phát, thâm hụt ngân sách, tăng nợ chính phủ, giúp kích thích kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn.

Song trong dài hạn, giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách, song hành với việc tăng tiêu dùng chính phủ sẽ không tránh khỏi thâm hụt ngân sách. Khi thâm hụt ngân sách ở quy mô lớn, chính phủ Mỹ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ, làm tăng lượng cung trái phiếu, từ đó sẽ làm tăng lãi suất. Trong khi đó, việc gia tăng chi tiêu chính phủ và sự phục hồi của giá dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát.

Chủ trương bảo hộ thương mại, hướng nội và thực dụng (xem xét rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, đàm phán lại Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ - NAFTA, tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc…) có thể sẽ tác động mạnh đến tự do hóa thương mại và đầu tư và xa hơn là trật tự kinh tế thế giới. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến giá đồng USD có khả năng tăng giá mạnh. Điều này sẽ khiến dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển. Tuy nhiên, nếu thâm hụt ngân sách Mỹ quá lớn sẽ làm giảm uy tín quốc gia và uy tín đồng USD, tạo khả năng đồng USD suy yếu. Tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ đạt mức 2,1% trong năm 2017.

Kinh tế châu Âu dự báo sẽ hồi phục một cách từ từ trong năm 2017 nhờ chính sách mở rộng tài khóa, nhưng mức tăng trưởng tiềm năng vẫn yếu do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nợ công, tác động của sự kiện Brexit, những bất ổn chính trị liên tục đang diễn ra, vấn đề già hoá dân số và sự suy giảm năng suất lao động.

Tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2017 được dự báo sẽ đạt mức 1,49%, giảm so với mức 1,61% trong năm 2016 và 1,93% trong năm 2015; của Đức và Pháp lần lượt là 1,75% và 1,13%, giảm so với mức 1,83% và 1,31% trong năm 2016. Riêng kinh tế Anh, có mức sụt giảm mạnh, giảm từmức 2% trong năm 2016 xuống mức 1,36% trong năm 2017 do tác động của sự kiện Brexit.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ đạt mức 0,39% trong năm 2017, giảm so với mức 0,51% trong năm 2016. Động lực chính của tăng trưởng là chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng tài khóa và việc hoãn tăng thuế tiêu dùng để hỗ trợ tiêu dùng cho cá nhân trong tương lai gần.

Những yếu tố này sẽ bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng Yen mạnh và kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Tuy nhiên, Nhật Bản cần phải thận trọng trước nguy cơ giảm phát do chỉ số giá tiêu dùng thấp, kèm theo việc đồng Yen mạnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước này.

Rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là rất lớn. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp cao (170% so với GDP), cùng với tốc độ tăng trưởng bão hòa đang gây bất ổn cho thị trường tài chính Trung Quốc, khiến rủi ro hệ thống ngân hàng tăng cao, sự tháo chạy dòng vốn và mất giá đồng Nhân dân tệ. Tình trạng dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2017, đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị gánh nặng dư thừa sản xuất đè nặng, khó lấy lại đà phục hồi.

Trong năm 2017, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục và phát triển mạnh mẽ 5 mục tiêu “đổi mới, phối hợp, phủ xanh lá, cởi mở, chia sẻ” nhằm đẩy mạnh cải cách cơ cấu, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và sự đổi mới. Ngoài ra, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Một vành đai, một con đường” gồm 6 hành lang giao thông trên khắp lục địa Á - Âu, bao gồm cả trên đất liền và trên biển.

Chiến lược này nhằm đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển, do đó, làm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của Trung Quốc đối với việc phá vỡ nền kinh tế bên ngoài và tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế vốn đang ì ạch của Trung Quốc.Trên cơ sở đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2017 được dự báo sẽ đạt mức 6,3%, giảm so với mức 6,7% trong năm 2016.

Tuy nhiên, nếu ông Trump tiến hành đánh thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ như ông tuyên bố khi vận động tranh cử, thì có thể sẽ khiến Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Một khi Mỹ đánh thuế ở mức cao đối với hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phá sản ở quy mô lớn, khiến hàng triệu người thất nghiệp, gây bất ổn lớn đối với chính trị, kinh tế, xã hội Trung Quốc. Điều này sẽ khiến kinh tế thế giới bất ổn và có khả năng rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi năm 2017 được dự báo sẽ khả quan hơn và tăng trưởng tại các nền kinh tế này có khả năng bù đắp lại cho sự sụt giảm tăng trưởng tại Trung Quốc. Theo đó, các nền kinh tế đang nổi được dự báo tăng trưởng 4,7% cho năm 2017. Kinh tế Nga và Brazil được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 0,84% và 0,37% trong năm 2017, tăng so với mức -0,58% và -3,24% trong năm 2016. Ấn Độ vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,7% trong 2017. Tuy nhiên, Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng nợ doanh nghiệp ngày càng tăng.

Trước triển vọng của các nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế thế giới, cũng như triển vọng các lĩnh vực chính của kinh tế thế giới, dựa trên những diễn biến chính của kinh tế thế được đề cập đến tháng 11/2016, với việc ứng dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu NiGEM, tác giả đưa ra mức dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2017 sẽ đạt mức 3,22%, tăng so với mức 2,97% của năm 2016 (Bảng).

Bảng: Tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2015-2017

Tăng trưởng kinh tế (%)

Giá dầu thế giới (USD/thùng)

Năm

Thế giới

OECD

Mỹ

EU28

Eurozone

Trung Quốc

Nhật Bản

Anh

Nga

Ấn Độ

Brazil

Trung Đông

2015

3,20

2,18

2,60

2,13

1,93

6,93

0,59

2,22

(3,70)

7,24

(3,85)

2,34

51,82

2016

2,97

1,62

1,45

1,78

1,61

6,66

0,51

2,00

(0,58)

7,39

(3,24)

2,62

42,75

2017

3,22

1,79

2,11

1,57

1,49

6,30

0,39

1,36

0,84

6,70

0,37

2,97

51,82

Nguồn: Tính toán theo mô hình NiGEM V4.16-b

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới năm 2017 chứa đựng nhiều yếu tố bất định và rủi ro đến từ việt thực thi các chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ, tác động của sự kiện chính trị tại Italia, rủi ro đến từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc… nền kinh tế thế giới có thể sẽ đạt mức tăng trưởng thấp hơn, thậm chí là thấp hơn nhiều con số dự báo nêu trên./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UNCTAD (2016). World Investment Report 2016

2. UNCTAD (2016). Global Investment Trends Monitor October 2016

3. IEA (2016). Short-term Energy Outlook, 11/2016

4. IMF(10/2016). Global Financial Stability Report