Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm nhất kể từ 2011

Theo Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,9% trong quý ​IV/2016, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,5% của quý trước đó.

Chỉ số tăng trưởng trên đã kéo nhịp độ tăng trưởng cả năm 2016 của nền kinh tế lớn thế giới xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Trong cả năm 2016, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6%, thấp hơn hơn mức tăng 2,6% năm 2015.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm nhất kể từ 2011

Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu sụt giảm. Xuất khẩu của Mỹ giảm 4,3% trong quý IV/2016, trong lúc nhập khẩu tăng 8%. Bức tranh nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm kể trên có thể là thuận lợi cho quan điểm điều hành nền kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chỉ trích tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và cảnh báo sẽ áp thuế nhập khẩu 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico.

Hàn Quốc giữ ngôi đầu về nền kinh tế sáng tạo

Theo bảng chỉ số sáng tạo các nền kinh tế năm 2017 do Bloomberg xếp hạng, Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, trong khi các nước Bắc Âu chiếm phần lớn trong top 15 và Nga bị tuột hạng đáng kể.

Được đánh giá là nền kinh tế sáng tạo nhất, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới trong 3 hạng mục thành phần gồm hoạt động R&D, giá trị gia tăng trong sản xuất, đăng ký sáng chế… Ngoài ra, các hạng mục như hàm lượng công nghệ cao, giáo dục đại học và mức độ tập trung các nhà nghiên cứu của nước này cũng nằm trong top 5.

Thụy Điển xếp ở vị trí thứ hai trong bảng chỉ số sáng tạo các nền kinh tế 2017, tăng một bậc so với năm 2016, chủ yếu nhờ vào sự cải thiện của hạng mục giá trị gia tăng trong sản xuất. Phần Lan tăng thêm 2 bậc, lên vị trí thứ 7 nhờ sự nổi lên của các công ty công nghệ cao trong nước. Riêng Na Uy vẫn giữ nguyên thứ hạng 14 của năm ngoái.

Tuột hạng thê thảm nhất năm nay là Nga, tụt 14 bậc và rơi xuống vị trí thứ 26. Theo Bloomberg, nguyên nhân bởi những ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và sự hạ nhiệt của giá năng lượng trong vài năm trở lại đây. Cùng với đó, các điểm số về năng suất và sản xuất của Nga cũng giảm mạnh trong năm nay.

Đức kêu gọi EU đẩy nhanh các thỏa thuận tự do thương mại

Ngày 27/1, Đức đã công bố danh sách các nước, chủ yếu ở khu vực châu Á, có triển vọng hợp tác thương mại với Liên minh châu Âu (EU), coi đây là biện pháp thúc đẩy thương mại tự do trên toàn thế giới, trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.

Các nước nói trên bao gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Australia và New Zealand.

Trong văn bản được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU tại Brussels (Bỉ), Đức kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng tập hợp sáng kiến để đạt được tiến triển mang tính quyết định trong các cuộc đàm phán thương mại với các nước.

Berlin nhấn mạnh việc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc tế.

Anh thành lập trung tâm đầu tiên nghiên cứu vấn đề Brexit

Để tiến trình đưa nước Anh ra khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, diễn ra thuận lợi và suôn sẻ, ngày 26/1, Đại học Thành phố Birmingham đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu Brexit (CBS) với mục tiêu mở rộng vùng giao thoa về quan điểm giữa phe ủng hộ và phe phản đối, từ đó tìm giải pháp tranh thủ cơ hội, giảm thiểu thách thức và vượt qua khó khăn.

Đây là trung tâm đầu tiên được thành lập ở nước Anh tập trung nghiên cứu vấn đề Brexit. Sự ra đời của CBS sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đánh giá các tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực, của Brexit, giúp cộng đồng xã hội có cái nhìn sâu rộng hơn về một giai đoạn lịch sử mà Vương quốc Anh đang phải trải qua. Hoạt động nghiên cứu của CBS sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu như kinh tế, thương mại, an ninh quốc gia, tội phạm, văn hóa...

Bên cạnh đó, CBS sẽ thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ giao lưu để chia sẻ nhận thức, đặc biệt là giữa các đối tượng chịu tác động từ Brexit.

Thông qua những hoạt động này, CBS hy vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho giới doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác, đồng thời giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về tính chất phức tạp, đan xen của tiến trình Brexit.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/1 dự báo khả năng thay đổi trong chính sách thương mại và nhập cư của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ làm kinh tế khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe chỉ phục hồi khoảng 1,2 % trong năm ​nay, thấp hơn so với dự kiến.

Trước đó trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của IMF đưa ra trong tháng 10/2016, tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ Latinh sẽ tăng 1,6% trong năm 2017, nhưng trong tuần qua đã hạ xuống 0,4% kỳ vọng tăng trưởng của khu vực này.

IMF đánh giá, dù khu vực Mỹ Latinh được kích thích tăng trưởng do nhu cầu cao từ thị trường nội địa Mỹ, nhưng vẫn gặp rào cản do lãi suất tăng và bất ổn xung quanh khả năng thay đổi chính sách thương mại và nhập cư của Mỹ./.