Lạm phát hai con số

Mới đây, Ai Cập đã công bố tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt 29,6% trong tháng 1, chỉ 3 tháng sau khi chính phủ nước này quyết định thả nổi đồng nội tệ và cắt giảm trợ giá nhiên liệu như

Ngày 11/11/2016, IMF đã chính thức thông qua khoản cho vay trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn 3 năm cho Ai Cập để giúp nước này phục hồi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ của gói tín dụng này giúp Ai Cập tự điều chỉnh sự mất cân bằng bên ngoài và khôi phục khả năng cạnh tranh, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm trong khi bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

một phần trong gói cải cách kinh tế nhằm đảm bảo điều kiện nhận được gói tín dụng trị giá 12 tỷ USD trong 3 năm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sau quyết định thả nổi đồng nội tệ, đồng EGP đã lao dốc không phanh, từ mức 8,83 EGP đổi 1 USD hồi đầu tháng 11/2016 xuống 18 EGP đổi 1 USD ở thời điểm hiện tại.

Ngoài việc thả nổi đồng nội tệ, chính quyền Cairo cũng đã nâng các mức thuế đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu lên 60% vào tháng 12/2016 và chính thức áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) hồi tháng 9 năm ngoái.

Điều này dẫn đến giá cả hàng hóa ở Ai Cập đã leo thang mạnh mẽ trong tháng 12/2016 khi ghi nhận mức tăng 24,3% - mức cao nhất kể từ sau khi nổ ra cuộc chính biến Arab Spring năm 2011. Giá lương thực và thực phẩm đã vọt cao hơn so với hầu hết các mặt hàng khác, với mức tăng 38,6% trong tháng 1 vừa qua. Người tiêu dùng, nhất là những hộ thu nhập thấp, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giá lương thực và thực phẩm tại Ai Cập đã tăng vọt

Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ sớm chấm dứt. Dẫn lời Giám đốc chi nhánh IMF tại Ai Cập, ông Chris Jarvis tháng trước đã dự báo trên Bloomberg rằng, lạm phát ở quốc gia Bắc Phi này có thể giảm đáng kể trong quý II năm nay. Theo ông Jarvis, Ai Cập đã có sự khởi đầu tốt trong tiến trình cải cách kinh tế hiện nay.

Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE), dự trữ ngoại tệ của nước này tính đến cuối tháng 1/2017 đã ở mức 26,3 tỷ USD, tăng đáng kể so với con số 24,2 tỷ USD của tháng 12 năm ngoái. CBE khẳng định, mức dự trữ ngoại tệ hiện nay đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của trong 6 tháng.

Ai Cập từng nắm giữ nguồn dự trữ ngoại hối lên tới 36 tỷ USD ở thời điểm trước khi nổ ra cuộc chính biến năm 2011. Tuy nhiên, bất ổn chính trị và an ninh đã khiến đất nước Kim tự tháp trở nên kém hấp dẫn đối với du khách nước ngoài và giới đầu tư quốc tế - hai nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của nước này.

Kinh tế còn nhiều bất ổn

Trong điểm này, có thể nói Ai Cập đang ở giai đoạn khá ổn định trong vòng 6 năm qua cả về mặt tổ chức bộ máy chính quyền, an ninh và trật tự xã hội. Bởi sau 2 năm lên nắm quyền, Tổng thống Fattah el-Sisi đã đưa ra hàng loạt các quyết sách quan trọng, có tính chiến lược của quốc gia về đối nội lẫn đối ngoại.

Ông Sisi đang tích cực tổ chức lại bộ máy chính quyền. Từng là tướng lĩnh quân đội, nên Tổng thống Sisi có nhiều thuận lợi trong việc đưa ra các quyết sách về an ninh, quân sự nhằm ổn định tình hình chính trị, an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, người đứng đầu Ai Cập cũng tích cực thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao nhằm khôi phục vị thế, đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhìn chung, người dân Ai Cập vẫn đang phải sống trong điều kiện khủng hoảng kinh tế trì trệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt 4,3% và dự kiến giảm còn 4% trong năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng lên gần 13%. Thâm hụt ngân sách ở mức cao 12,2% GDP (tương ứng 38,6 tỷ USD).

Cùng với đó, chính phủ Ai Cập tiếp tục cắt giảm trợ cấp đối với một số mặt hàng tiêu dùng quan trọng dẫn đến tình hình đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Phần lớn số công chức nhà nước, nhất là khối giáo viên lâm vào tình trạng không đảm bảo mức sống. Một số đánh giá của các tổ chức quốc tế cho rằng, tầng lớp có thu nhập trung bình của Ai Cập đang bị thu hẹp đáng kể. Đây là một điều đáng lo ngại vì lực lượng chống chính phủ sẽ nhân cơ hội này kích động dân chúng, làm mất ổn định chính trị.

Trong khi đó, bộ máy chính quyền cả hành pháp lẫn lập pháp sau nhiều biến động đang cải tổ để ổn định.

Về an ninh, so với 6 năm trước, tình hình Ai Cập cơ bản đã ổn định hơn, nhưng những vụ tấn công nhỏ lẻ do Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện ở bắc bán đảo Sinai và các hoạt động khủng bố nhằm vào lực lượng quân đội và cảnh sát vẫn thường xuyên diễn ra ở các địa phương và ngay tại Cairo. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh, kinh tế của Ai Cập, đồng thời tạo tâm lý hoang mang cho người dân, lẫn khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, chính quyền Ai Cập biết rõ những khó khăn này và đang nỗ lực giải quyết. Trong thời gian qua, Ai Cập đã thúc đẩy mạnh mẽ cải cách kinh tế mang tính "sống còn" với ba trọng tâm là thúc đẩy đầu tư khu vực kinh tế tư nhân, tái cơ cấu chi tiêu ngân sách để giảm thâm hụt với trọng tâm cắt giảm trợ cấp và thay đổi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa mang lại kết quả./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/ai-cap-lam-phat-da-phi-ma-gan-30-do-dong-noi-te-mat-gia/430139.vnp

https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-01-18/imf-says-egypt-recovery-to-take-time-with-taming-inflation-key

http://english.alarabiya.net/en/business/economy/2017/02/11/Egypt-inflation-rate-hit-29-6-percent-in-January.html