Gói hỗ trợ lên đến 5,5 tỷ USD

Theo Bloomberg, dựa trên các điều khoản mà Chính phủ Mông Cổ và đại diện IMF nhất trí, IMF sẽ cung cấp 440 triệu USD cho nước này trong 3 năm. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản và Hàn Quốc dự định cung cấp 3 tỷ USD, còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự kiến gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 2,19 tỷ USD với Chính phủ Mông Cổ ít nhất thêm ba năm.

Tổng trị giá của gói hỗ trợ tài chính từ bên ngoài cho Mông Cổ vì thế sẽ có trị giá khoảng 5,5 tỷ USD.

Phao cứu sinh của IMF sẽ hỗ trợ cho kế hoạch của Chính phủ Mông Cổ về giải tỏa các áp lực cán cân thanh toán, đồng thời giúp nước này trả các khoản nợ sắp đến hạn, bao gồm khoản nợ trái phiếu 580 triệu USD của Ngân hàng Phát triển Mông Cổ.

Đây là lần thứ 6 kể từ thập niên 1990, IMF ra tay giải cứu Mông Cổ. Kế hoạch giải cứu lần gần đây nhất mà định chế này dành cho Mông Cổ là một kế hoạch dự phòng vào năm 2009-2010.

Trước khi Chính phủ Mông Cổ đạt thỏa thuận với IMF, Quốc hội nước này đã sửa đổi Luật về Ngân hàng Phát triển, với những điều chỉnh theo khuyến nghị của IMF. Theo đó, hoạt động của Ngân hàng Phát triển Mông Cổ sẽ bị phi chính trị hóa, bao gồm quy định các thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng không phải là chính trị gia trong vòng 5 năm trước đó.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ sụt còn 1% vào năm ngoái trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản toàn cầu suy giảm và tăng trưởng kinh tế chững lại ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính các mặt hàng đồng và than của Mông Cổ. Đầu tư nước ngoài vào Mông Cổ cũng sụt giảm do tranh chấp giữa Chính phủ nước này với hãng khai mỏ Rio Tinto xung quanh mỏ đồng Oyu Tolgoi.

Khai thác khoáng sản chiếm 1/4 GDP và 90% kim ngạch xuất khẩu của Mông Cổ

Dự trữ ngoại hối của Mông Cổ đã giảm xuống mức 1,3 tỷ USD vào cuối tháng 12/2016, so với mức 4,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2012 - thời điểm mà vốn chảy mạnh vào ngành khai mỏ nước này trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng mạnh. Đồng Tugrik của Mông Cổ mất giá đến 20%.

Đặc biệt, thâm hụt ngân sách của Mông Cổ vào cuối năm 2016 ở mức 1,5 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Kim ngạch ngoại thương giảm 2,3%, trong khi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng 25%.

Do vậy, theo giới phân tích, thông tin về gói cứu trợ mà IMF dành cho Mông Cổ sẽ được giới đầu tư đón nhận tích cực. IMF nhận định dự trữ ngoại hối của Mông Cổ sẽ tăng lên mức 3,8 tỷ USD vào cuối chương trình cứu trợ và đến năm 2019, tăng trưởng kinh tế nước này sẽ lên mức khoảng 8%.

Cải cách để thoát khỏi khủng hoảng

Trước đây không lâu, Mông Cổ có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Với một trữ lượng khoáng sản khổng lồ và có biên giới kéo dài với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc, Mông Cổ là một nơi khá hấp dẫn để đầu tư. Nền kinh tế Mông Cổ từng tăng trưởng 17% trong năm 2011, khi các mỏ quặng của nước này cung cấp một lượng lớn than và đồng để đáp ứng nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2011, chi tiêu của Chính phủ tăng đến 56%. Mông Cổ từng là một trong những nước không đáng tin để cho vay, nhưng trong tình trạng lãi suất toàn cầu thấp bất thường khi đó, nước này vẫn tìm được khá nhiều chủ nợ. Năm 2012, nước này phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu Chinggis để rồi lãng phí chúng vào các công trình công cộng. Mông Cổ cũng tăng lương hàng loạt cho cán bộ công chức và trợ cấp cho các khoản thế chấp vay mua nhà của dân chúng. Giới chính trị gia thì vung tiền ra để tìm kiếm phiếu bầu. Các cửa hiệu thời trang cao cấp, khách sạn sang trọng và những bức tượng lớn kệch cỡm mọc lên khắp xứ sở thảo nguyên nước này.

Sau đó, kinh tế Trung Quốc trì trệ và giá hàng hóa sụt giảm khiến Mông Cổ nhận ra họ đã rơi vào thế kẹt. Tăng trưởng Mông Cổ chậm lại, còn nợ thì tăng lên nhanh chóng. Với khối dự trữ ngoại hối sụt giảm, một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán tại Mông Cổ suýt nữa đã xảy ra, nếu không có sự giúp sức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngăn chặn vào phút cuối.

Có thể thấy, từ chỗ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, chỉ trong vòng vài năm, Mông Cổ đã rơi vào “thế bí” một phần do vay nợ ồ ạt.

Hiện gói cứu trợ mới từ IMF và các đối tác sẽ giúp Mông Cổ tránh vỡ nợ, nhưng nền kinh tế nước này cần nhiều hơn thế. Quan trọng nhất, Mông Cổ phải tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế quá lệ thuộc vào khai thác khoáng sản, vốn đã chiếm gần 1/4 GDP và 90% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Bên cạnh đó là cải cách giáo dục và có chính sách tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài – họ đã khá bất mãn với Chính phủ trong những năm gần đây. Kiềm chế tham nhũng cũng là một việc phải làm. Ngân sách Mông Cổ sẽ phải được thắt chặt hơn nữa để có đủ nguồn lực xây dựng quỹ đầu tư quốc gia, nhằm ứng phó với chu kỳ tăng trưởng và sụt giảm giá cả hàng hóa.

Nếu làm được tất cả những điều trên, tương lai kinh tế Mông Cổ vẫn tươi sáng. Bởi, nước này có cơ cấu dân số trẻ, một nền dân chủ gần như ổn định và trào lưu khởi nghiệp còn đang ở giai đoạn bắt đầu. IMF tính toán rằng, các mỏ khoáng sản của Mông Cổ có trữ lượng tổng cộng 3.000 tỷ USD trong suốt vòng đời khai thác. Việc mở rộng khu mỏ khổng lồ Oyu Tolgoi cũng sẽ sớm mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Chấp nhận một số nỗi đau lúc này có thể giúp Mông Cổ sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dồi dào và kết thúc tình hình kinh tế tồi tệ hiện thời./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-02-19/imf-grants-mongolia-440-million-loan-as-part-of-5-5b-bailout

https://www.bloomberg.com/view/articles/2017-02-12/how-the-world-s-fastest-growing-economy-went-bust