Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thường niên lần thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 12, ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo của chính phủ, trong đó cho biết nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,5%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5-7% đặt ra cho năm 2016.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, đây là mục tiêu tăng trưởng thấp nhất đặt ra trong vòng 25 năm trở lại đây, kể từ năm 1992, khi con số này là 6%. Mục tiêu tăng trưởng năm 2017 cũng thấp hơn mức tăng trưởng thực tế 6,7% đã đạt được trong năm 2016. Ông Lý Khắc Cường cho biết mức tăng trưởng này sẽ vẫn đủ để đạt tới mục tiêu mà đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế đất nước vào năm 2020 so với mức năm 2010.

Báo cáo cho biết mục tiêu tăng trưởng mới phù hợp với các nguyên tắc và nền thực tế kinh tế nước nhà, sẽ giúp ổn định các dự báo của thị trường và tạo điều kiện cho các điều chỉnh cơ cấu, đồng thời góp phần đạt mục đích hoàn tất quá trình xây dựng một xã hội thịnh vượng ở mức độ vừa phải về mọi mặt. Báo cáo nêu rõ: "Một lý do quan trọng để nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì tăng trưởng bền vững là đảm bảo việc làm và cải thiện đời sống nhân dân".

Ukraine đạt thỏa thuận sơ bộ mở đường để IMF giải ngân 1 tỷ USD

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 4/3 cho biết đã đạt được với Ukraine một thỏa thuận sơ bộ sẽ mở đường cho việc giải ngân khoản tín dụng mới trị giá 1 tỷ USD cho nước này trong nửa đầu năm nay.

Giám đốc phái bộ của IMF tại Ukraine, ông Ron van Rooden xác nhận thông tin trên và nhấn mạnh thỏa thuận sơ bộ cập nhật Bản ghi nhớ về các chính sách kinh tế và tài chính này với Ukraine sẽ giúp ban lãnh đạo IMF xem xét việc giải ngân khoản tín dụng 1 tỷ USD trong nửa cuối tháng 3/2017.

Tháng 9 năm ngoái, IMF đã thông qua trên nguyên tắc việc giải ngân 1 tỷ USD cứu trợ cho Ukraine, nối lại hoạt động hỗ trợ quốc gia này bình ổn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Ukraine đã cho thấy "những dấu hiệu phục hồi đáng hoan nghênh" với lạm phát giảm và hoạt động kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn nhiều việc cần làm vì một sự phục hồi bền vững đòi hỏi tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, bao gồm chống tham nhũng và cải thiện quản trị chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế Anh có dấu hiệu mất đà do dịch vụ tăng chậm

Khảo sát mới nhất của IHS Market cho hay, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ giảm từ 54,5 điểm trong tháng 1/2017 xuống còn 53,3 điểm trong tháng 2/2017, kém nhiều con số dự báo 54,1 điểm của các nhà phân tích. 50 điểm là ngưỡng phân định tăng trưởng và sụt giảm.

Theo các doanh nghiệp Anh, chi phí leo thang cùng với tài chính của người tiêu dùng bị thắt chặt hơn là hai nguyên nhân chủ yếu khiến lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại.

Như vậy, sau một năm 2016 tăng trưởng ấn tượng bất chấp quyết định rời Liên minh châu Âu, kinh tế Anh đang có dấu hiệu mất đà trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ, một trụ cột tăng trưởng của kinh tế Xứ Sở sương mù tăng chậm hơn rất nhiều so với dự báo.

Ngân hàng Trung ương Canada tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản

Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã quyết định không thay đổi lãi suất cơ bản ở mức 0,5% vốn được duy trì kể từ tháng 7/2015 đến nay, nhằm giữ ổn định nền kinh tế với lý do tăng trưởng kinh tế của nước này “không đạt tốc độ đáng kể”. Đây là lần thứ 4 liên tiếp BoC không điều chỉnh lãi suất.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada Stephen Poloz cho biết, dựa vào sức tiêu dùng và những số liệu mới nhất có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 4/2016 có dấu hiệu phục hồi tốt hơn so với dự báo, tuy nhiên, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với những thách thức cạnh tranh không mấy khả quan.

Do vậy, mặc dù tỷ lệ lãi suất cho vay liên ngân hàng đã được duy trì ở mức 0,5% gần 2 năm, nhưng BoC vẫn tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản này./.