Người dân châu Âu thường buộc tội người Mỹ đã gây nên khủng hoảng. Tuy nhiên, khi nhìn vào các số liệu, rõ ràng là chính Eurozone đã sai lầm. Về tăng trưởng, sản lượng của nền kinh tế Mỹ đã vượt qua mức đỉnh được lập ở thời kỳ trước khủng hoảng và vẫn đang tăng lên. Trong khi đó, Eurozone ngày càng chìm nghỉm. Hãy nhìn vào thị trường lao động. Năm 2009, cả hai bờ Đại Tây Dương đều có tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 10%. Giờ đây, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống dưới 8%. Thất nghiệp ở Eurozone vẫn lớn hơn 12%.

Kê nhầm thuốc

Có lẽ, nếu như coi nền kinh tế châu Âu là một “con bệnh” đang được điều trị trong bệnh viện, các bác sĩ sẽ bị kiện ra tòa vì điều trị sai cách. Ở châu Âu, cái giả phải trả cho sai lầm chính là tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Những lời bàn tán cho rằng đồng euro sẽ vượt qua USD để thống trị thế giới đã lùi sâu vào dĩ vãng. Giờ đây, mục đích chỉ đơn giản là ngăn chặn đà suy giảm. Châu Âu đang gặp phải rủi ro giống như Mỹ Latinh thời kỳ những năm 1980.

Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần trước, các lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu đã đề cập đến vấn đề mà thông thường sẽ chỉ khiến các nước nghèo hơn lo lắng: tìm ra lượng tiền mặt đang được cất giấu trong các tài khoản ngân hàng bí mật và buộc các tập đoàn đa quốc gia phải trả thuế. Các lãnh đạo EU gần như phớt lờ ước muốn dẫn đầu thế giới trong việc giảm khí thải hiệu ứng nhà kính. Thay vào đó, họ bực bội với việc giá năng lượng sụt giảm và nước Mỹ hưởng lợi từ đá phiến dầu. Những bước tiếp theo của quá trình sửa chữa đồng euro vẫn chưa được thực hiện. Châu Âu phải đợi đến kỳ họp tiếp theo (vào tháng 6 tới) hoặc lâu hơn thế nữa là đến cuộc bầu cử Đức (vào tháng 9).

Ở Berlin trong những ngày này, người ta có thể quan sát thấy kỷ cương về ngân sách đang bị đè nén bởi một loạt các cải cách kinh tế. Sẽ là kỳ dị nếu như nghe các nhân vật lãnh đạo cấp cao đổ lỗi cho IMF vì đã đồng ý với các chương trình cứu trợ quá khắc nghiệt, hoặc đổ lỗi cho Ủy ban châu Âu vì đã không thể phản ứng đủ nhanh với tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ cũng như tình trạng khan hiếm tín dụng vắt kiệt các doanh nghiệp nhỏ ở Nam Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đặc biệt ưa thích các biểu đồ mà Chủ tịch ECB Mario Draghi đã vẽ ra tại hội nghị hồi tháng 3. Các biểu đồ này cho thấy so với sản lượng, tiền lương ở các nước có thâm hụt ngân sách nặng nề đã tăng lên kể từ năm 1999. Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thất bại trong việc điều chỉnh tiền lương.

Nếu phản ứng đúng đắn, châu Âu phải thực hiện các cải cách mang tính chất hệ thống để nâng cao sản lượng và hạ thấp mức lương. Tuy nhiên, quá khó để thực hiện mệnh đề thứ nhất (ít nhất là trong ngắn hạn). Mệnh đề thứ hai lại mâu thuẫn với hiện trạng nền kinh tế và có thể gây bất ổn xã hội. Các cải cách có thể làm đảo lộn trật tự xã hội vốn đã được duy trì suốt mấy chục năm qua.

Hiểm họa từ nước Pháp

Một số nước đang lâm vào rắc rối (như Hy Lạp) bắt buộc phải điều chỉnh – bởi các chương trình cứu trợ buộc họ phải tự do hóa thị trường lao động – và cũng bởi tình trạng thất nghiệp khiến họ bắt buộc phải hạ lương xuống. Trong khi đó, những nước như Pháp là một câu hỏi hóc búa. Pháp không chịu áp lực từ thị trường, quá lớn để bị điều khiển và quá quan trọng để Đức quát nạt.

Đà lao dốc của Pháp có thể khiến đồng euro chìm nghỉm. Khi EC đưa ra các kiến nghị đối với từng nước vào tuần tới, Pháp sẽ có thêm 2 năm nữa để hoàn thành các mục tiêu về thâm hụt ngân sách. Tổng thống François Hollande đã nhận ra được sự cần thiết của việc lấy lại năng lực cạnh tranh. Trong kiến nghị mới nhất, ông kêu gọi thành lập “chính phủ kinh tế” với nhiệm vụ hài hòa các chính sách thuế và thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội.

Lối tư duy này khiến người Đức “phát điên”. Họ muốn Pháp coi toàn cầu hóa là một cơ hội chứ không phải một mối đe dọa. Đối với bà Merkel, vấn đề không phải là làm cách nào để giúp các nước đuổi kịp Đức, mà là làm thế nào để châu Âu có thể cạnh tranh với phần còn lại của thế giới. Châu Âu sẽ ra sao trong tương lai? Tại sao các doanh nghiệp châu Âu phải cố gắng thành công trên toàn cầu? Berlin quan niệm rằng nếu như suy thoái gây nên thất nghiệp ở các nước ngoại vi, đó là lỗi của thị trường lao động cứng nhắc. Thái độ phản đối Berlin có thể khiến nước Đức khó chịu, nhưng đó là cái giá phải trả để có được thay đổi.

Giống như các yếu tố khác của cuộc khủng hoảng, cải cách cấu trúc đến quá muộn. Các chính phủ quá chú tâm vào thắt lưng buộc bụng mà quên đi việc tự do hóa nền kinh tế. Cải cách trên phạm vi toàn bộ Eurozone mới là điều quan trọng nhất.

Sự chậm trễ trong việc thành lập liên minh ngân hàng có nguyên nhân từ tham vọng của nước Đức. Đức muốn hạn chế trách nhiệm của bản thân. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc Pháp và các nước khác lưỡng lự không muốn sửa đổi các hiệp định.

Sẽ là một sai lầm nếu giả đò rằng đồng euro có thể sống sót trong khi các nước không cần chia sẻ rủi ro. Ông Hollande từng khẳng định nếu như không hành động, châu Âu sẽ đổ vỡ hay chính xác hơn là biến mất trên bản đồ thế giới. Trớ trêu thay, đáp lại lời kêu gọi ấy chỉ là sự thờ ờ lạnh nhạt – biểu hiện cho thấy Pháp đang mất đi tầm ảnh hưởng.

Các quan chức châu Âu thì cho rằng châu lục này không phải là một nhà nước liên bang giống như nước Mỹ và do đó cũng không thể phản ứng nhanh và quyết liệt như Mỹ. Tuy nhiên, bất kỳ ai khôn ngoan cũng có thể nhận ra rằng châu Âu đã biến thành một “cỗ máy quỷ quái” và không ai có thể ngăn cỗ máy ấy hoạt động. Tất cả các nước đều bị mặc kẹt và chính họ là những người có nhiệm vụ phải sửa chữa nó.

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist