ECB lưu hành tờ tiền 50 Euro mới

Ngày 16/3, ECB đã ra mắt tờ tiền giấy mệnh giá 50 Euro mới. Đây được xem là nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống nạn tiền giả và khẳng định sự ủng hộ đối với việc sử dụng tiền mặt.

Tờ 50 Euro mới là sự kết hợp hài hòa của màu vàng và màu cam nhạt, ở góc phải có in nổi ba chiều chân dung Công chúa Europa trong thần thoại Hy Lạp, trong khi đó góc trái là số 50 màu lục bảo có thể chuyển sang xanh da trời tùy theo hiệu ứng ánh sáng.

Theo thông báo trước đó, tiền giấy mệnh giá 50 Euro mới sẽ được lưu hành từ tháng 4 tới. Hiện tiền mệnh giá 50 ​Euro đang được sử dụng rộng rãi nhất, với hơn 8 triệu tờ được lưu hành, chiếm 45% tổng số tiền giấy Euro các mệnh giá. Tại Eurozone, người dân Đức và Áo ưa sử dụng tiền mặt hơn trong các giao dịch thương mại.

Bên cạnh đó, ECB cũng quyết định ngừng in và từng bước loại bỏ tờ tiền giấy mệnh giá 500 ​Euro từ nay đến cuối năm 2018, nhằm hạn chế nguy cơ đồng tiền mệnh giá cao này bị sử dụng vào mục đích tài trợ khủng bố, rửa tiền và các vụ việc phạm pháp.

Ukraine trừng phạt các chi nhánh ngân hàng Nga

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt 5 chi nhánh ở Ukraine của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Nga.

Đây là một phần của hành động trấn áp quy mô lớn hơn liên quan đến những căng thẳng gia tăng tại các khu vực ly khai miền Đông Ukraine.

Phó Giám đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Kateryna Rozhkova cho biết, lệnh trừng phạt trên sẽ cấm các chi nhánh ngân hàng Nga đưa tiền ra khỏi Ukraine.

Hiện có 3 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Nga nằm trong số 20 ngân hàng hàng đầu Ukraine và chiếm tổng cộng 8% thị phần.

Những biện pháp trừng phạt trên do Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine đề nghị. Cơ quan này trước đó cùng ngày cũng đã tạm ngừng mọi liên lạc giao thông với vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.

Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 16/3 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế sau quyết định khởi động tiến trình Brexit, chỉ việc Anh rời EU, trong bối cảnh mức tăng lương chậm lại và lạm phát tăng lên đang tác động bất lợi tới chi tiêu tiêu dùng.

BoE cũng duy trì chính sách nới lỏng định lượng (QE), theo đó tiếp tục "bơm" vào nền kinh tế 435 tỷ Bảng thông qua việc mua trái phiếu chính phủ. BoE nhấn mạnh, quy mô của QE sẽ không giảm chừng nào lãi suất cơ bản chưa chạm mức 2%.

Tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc BoE, quyết định trên được thông qua với tỷ lệ 8 phiếu thuận và một phiếu chống. Tám thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ tỏ ra thận trọng vào thời điểm nước Anh chuẩn bị khởi động tiến trình rời EU.

OPEC nâng dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới

Ngày 14/3, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 1,26 triệu thùng/ngày lên mức hơn 96,3 triệu thùng/ngày và cao hơn 70.000 thùng/ngày so với dự kiến tháng trước.

Trong báo cáo hàng tháng đăng trên trang mạng chính của khối, các chuyên gia OPEC cho biết nhu cầu dầu mỏ gia tăng phần lớn tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc và các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gồm Đức, Bỉ, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan...

Bên cạnh đó, OPEC cũng cho biết tổng sản lượng dầu mỏ của 13 nước thành viên của nhóm trong tháng Hai đạt 31,95 triệu thùng/ngày, giảm hơn 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái (33 triệu thùng/ngày)./.