Giám đốc phụ trách các vấn đề ngân sách tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Carlo Cottarelli, cảnh báo nợ công cao đang làm xuất hiện nguy cơ khủng hoảng về ngân sách tài chính và các nước cần thực hiện các bước điều chỉnh phù hợp với tình hình tài chính của mỗi nước.

Ông Cottarelli cho biết tỷ lệ nợ công tính trên GDP đã vượt mức 90% ở một số nền kinh tế phát triển và nợ cao sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Ông hối thúc các nước triển khai các biện pháp củng cố tài chính thích hợp, tùy theo tình hình của mỗi nước.

Với những nước không chịu sức ép của thị trường, việc củng cố tài chính nên được tiến hành với một tốc độ vừa phải theo các kế hoạch trong trung hạn.

Ngược lại, quá trình giảm nợ ở những nước chịu sức ép của thị trường phải diễn ra nhanh hơn. Chiến lược củng cố tài chính cần có sự hậu thuẫn của chính sách tiền tệ nới lỏng và các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mối lo ngại về vấn đề nợ nần hiện đang tập trung chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển, khi tỷ lệ nợ trên GDP của toàn cầu chỉ là 79,3% thì con số này với các nền kinh tế phát triển là 109,3%.

Nhật Bản đang có gánh nặng nợ lớn nhất trong số các nước phát triển, với số nợ công ước tính tương đương 245% GDP trong năm nay, tiếp theo là Hy Lạp (180%), Italy (131%), Ireland và Bồ Đào Nha (122%) và nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ (108%).

Trong báo cáo Giám sát tài chính công bố hồi tháng Tư, IMF nhận định tỷ lệ nợ/GDP ở nhiều nước sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2014, trước khi giảm xuống sau đó, dù các nước đã nỗ lực cắt giảm ngân sách để giảm mức thâm hụt.

Nhiều nước phát triển vẫn đang đứng trước một chặng đường dài, khó khăn và không có gì chắc chắn để có thể ổn định về tài chính./.

Theo Lê Minh

TTXVN