Thiệt hại hàng chục tỷ USD

Hôm nay (22/3), Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) đã công bố một báo cáo nhận định rằng, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này có thể sẽ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc, nếu những căng thẳng liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tiếp tục leo thang.

Gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động

Hãng thông tấn Yonhap cho biết, hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của Lotte Group, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn.

Theo báo cáo của KDB, kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch - hai ngành chính có liên quan chặt chẽ nhất đến lượng du khách Trung Quốc - sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỷ USD và các ngành khác sẽ thiệt hại tổng cộng 8,3 tỷ USD nếu Trung Quốc duy trì các biện pháp hạn chế thương mại với Hàn Quốc. Mỹ phẩm cũng là một trong những ngành sẽ bị tổn hại nhiều, dự tính lên tới 1,43 tỷ USD.

Tuy nhiên, báo cáo của KDB nhận định rằng, các sản phẩm xuất khẩu chính khác, như: ôtô, chip điện tử và điện thoại thông minh sẽ không bị ảnh hưởng trước các biện pháp của Trung Quốc do các loại hàng này vẫn duy trì được mức cầu ổn định trên thị trường thế giới.

Bản báo cáo cho biết thêm, các biện pháp của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài, bởi trước đây Trung Quốc đã có những biện pháp cứng rắn đối với Nhật Bản trong các vụ tranh cãi tương tự. KDB cũng nhận định, ngành sản xuất ôtô và chip điện tử có thể ít bị ảnh hưởng nhất, nhưng cũng không hoàn toàn an toàn trước khả năng tinh thần bài Hàn có thể lan rộng trong người tiêu dùng Trung Quốc.

Trước đó, ngày 20/3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về hành động trả đũa của Trung Quốc đối với các công ty nước này do việc triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Cải tổ để tránh phụ thuộc

Theo hãng thông tấn Yonhap, các chuyên gia Hàn Quốc mới đây đã nhấn mạnh, ngành du lịch nước này cần cải tổ để phát triển thành một ngành tạo thêm giá trị gia tăng cũng như giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng.

Trong khi ngành du lịch và bán lẻ Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách ứng phó với các biện pháp trả đũa của nước láng giềng, các chuyên gia kêu gọi biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội để cải tổ ngành du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Giới chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng, các công ty du lịch nước này nên ngừng đưa ra các gói du lịch giá rẻ với chất lượng ăn ở thấp và lịch trình sắp xếp chủ yếu chú trọng vào khách du lịch theo đoàn.

Để thay đổi điều này, các chuyên gia kêu gọi chính phủ Hàn Quốc xem xét thành lập một cơ quan cấp bộ riêng phụ trách các vấn đề du lịch, giống như Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc.

Quan chức thuộc Viện Văn hóa & Du lịch Hàn Quốc Kim Sang-tae nhấn mạnh, chính phủ cần đặt mục tiêu dài hạn thay vì đưa ra giải pháp tạm thời để đối phó với vấn đề trên, tức là cần nhiều ngân sách và nhân lực hơn để ngành du lịch “có sức bật”.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng để cải cách ngành du lịch nội địa là nỗ lực phát triển nhiều chương trình tour hơn đáp ứng nhu cầu của các du khách ở khu vực khác ngoài Trung Quốc, như: Đông Nam Á và Trung Đông.

Một quan chức chính phủ cho biết, họ đang xem xét đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực cho các công dân đến từ 2 khu vực trên, đồng thời nỗ lực hết sức để đa dạng hóa du khách nước ngoài nhằm cải thiện ngành du lịch nói chung.

Tình trạng căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc leo thang sau khi Hàn Quốc và Mỹ đẩy nhanh tiến trình triển khai THAAD. Hai bệ phóng di động của hệ thống THAAD cùng một số thiết bị khác đã được vận chuyển từ Mỹ đến căn cứ Không quân Osan tại Pyeongtaek từ ngày 7/3, sớm hơn dự kiến. Với những động thái thúc đẩy, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết việc triển khai THAAD có thể hoàn tất trong 1-2 tháng tới, và hệ thống này có thể hoạt động sớm nhất là vào tháng 4.

Theo thiết kế, THAAD có thể bắn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Scud hoặc Rodong, với tầm bắn lên tới 3.000 km ở độ cao 40-150 km. THAAD gồm sáu bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, một radar X-band, hỏa lực và hệ thống kiểm soát.

Dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc vẫn phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-co-the-thiet-hai-20-ty-usd-neu-trung-quoc-tiep-tuc-tra-dua/437083.vnp

http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/03/19/0200000000AEN20170319004000320.html