Từ thực tế nước Mỹ

Về các nhóm lợi ích:

Tại Mỹ, việc xây dựng các chính sách và pháp luật chịu ảnh hưởng bởi sự tranh giành hay thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích.

Vì thế, các nhóm lợi ích ở Mỹ ra đời rất sớm và ngày càng phát triển nhanh về số lượng, tổ chức, quy mô và kỹ năng hoạt động. “Ngày nay, có hơn 22.000 nhóm lợi ích có tổ chức ở Mỹ, và hàng chục ngàn người đăng ký chính thức làm nghề vận động hành lang tại Washington” (Nguyễn Thu Hằng, 2000). Có khoảng 60% dân Mỹ tham gia vào các nhóm lợi ích. Như vậy, sự tham gia của công dân vào chính trị nói chung và quá trình ra quyết định nói riêng là một trong những đặc trưng của hệ thống dân chủ truyền thống Mỹ.

Tại Mỹ, có rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau: (i) Nhóm lợi ích về kinh doanh như các tập đoàn kinh tế, các công ty đa quốc gia; (ii) Nhóm hiệp hội nghề nghiệp; (iii) Nhóm liên Chính phủ; (iv) Nhóm lợi ích công; (v) Nhóm công đoàn. Các nhóm lợi ích của Mỹ hết sức đa dạng và về thực chất là các phe phái chính trị tập hợp lại với nhau vì một lợi ích chung nào đó. Họ đấu tranh, vận động nhằm vào các bộ phận khác nhau của chính phủ để bảo đảm tối đa lợi ích cho nhóm mình. Tuy nhiên, cũng là một nét đặc trưng riêng có ở nước Mỹ, đó là các nhóm lợi ích được hoạt động một cách chính thức, với căn cứ pháp lý và thực tiễn được xác định rõ ràng, công khai.

Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp Mỹ năm 1787 trong bản sửa đổi đầu tiên, bằng việc khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và yêu sách hoà bình, đã cung cấp các cơ sở pháp lý cho cái gọi là “những nhóm lợi ích đặc biệt”. Theo đó, bất cứ một nhóm nào cũng đều có quyền yêu cầu các quan điểm của họ phải được sự lắng nghe của công chúng, của các cơ quan lập pháp, hành pháp và các toà án. Theo đó, năm 1946, Luật về nhóm được thông qua. Năm 1995, Quốc hội Mỹ đã biểu quyết chấp thuận một đạo luật mới quy định thể lệ hành nghề lobby để thay thế đạo luật năm 1946.

Về cơ sở thực tiễn, nguồn gốc ra đời của các nhóm lợi ích nằm ở chính mục tiêu mà họ theo đuổi. Cụ thể đó là:

(1) Các nhóm lợi ích ra đời nhằm bảo vệ những lợi ích của họ về kinh tế;

(2) Các nhóm lợi ích cũng là sản phẩm của các phong trào xã hội, phát triển qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử nước Mỹ;

(3) Các nhóm lợi ích ra đời nhằm tìm kiếm lợi ích trong lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, tinh thần. Đặc biệt, khi chính phủ mở rộng các hoạt động của mình thì đồng thời cũng xuất hiện thêm các nhóm lợi ích để gây ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích của họ;

(4) Các nhóm lợi ích ra đời cũng nhằm đối phó với những quy định của chính phủ. Khi có thêm các công việc kinh doanh và nghề nghiệp hoạt động dưới sự điều hành của nhà nước, nhiều tổ chức mới lại ra đời để bảo vệ những lợi ích của họ.

Hiện nay, các nhóm lợi ích có nhiều ảnh hưởng ở Quốc hội là: Liên đoàn các trang trại (Farm Breau Fedaration); Tổ chức công đoàn AFL - CIO; Hiệp hội các nhà chế tạo quốc gia (National Farmers Union); Liên đoàn người tiêu dùng Mỹ (Consumer Federation of America Conservative Union); Liên đoàn toàn quốc của những người đóng thuế (Natinonal Taxpayers Union)… Các nhóm quyền lợi này thường ảnh hưởng tới các nghị sỹ của cả hai đảng (đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ), do đó trong không ít trường hợp, lá phiếu của các nghị sỹ thể hiện tác động của các nhóm lợi ích hay của các khu vực hơn là của đảng phái. Điều này thường dẫn đến sự hình thành liên minh giữa các nghị sỹ của hai đảng có chung lợi ích để vận động và thông qua các dự luật có liên quan.

Hiện thực trên cho thấy, nước Mỹ đứng trước sự trái ngược: vừa phải thừa nhận tính đa dạng về lợi ích; vừa phải ngăn ngừa các nhóm lợi ích này thông qua hoạt động vận động hành lang có thể gây lũng đoạn chính sách. Một mặt, họ tạo ra hàng loạt luật và án lệ mới bảo vệ hệ thống chính trị và các đảng phái khỏi ảnh hưởng lobby về tài chính.

Mặt khác, họ thừa nhận và luật hóa các nhóm lợi ích, các công ty vận động hành lang như đã nói ở trên. Chính sự tự do trong việc lobby chính sách đã tạo ra rất nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh và đối trọng lẫn nhau và đã có lúc cả hệ thống chính quyền Mỹ bị chao đảo vì các nhóm lobby.

Nhưng bên cạnh đó, lịch sử chính trị Mỹ cũng có rất nhiều ví dụ về những ảnh hưởng tích cực của các nhóm lợi ích với chính sách. Ví dụ, vào cuối thập kỷ 90 cảu thế kỷ XX, dưới sự lobby của các tập đoàn dược phẩm hùng mạnh, việc nhập khẩu thuốc theo đơn vào Mỹ rất ngặt nghèo. Không chịu nổi giá thuốc leo thang, các cụ già vùng Đông Bắc Mỹ, dưới sự tổ chức của các hội hưu trí, đã đi xe buýt sang Canada mua thuốc (trái phép). Phong trào bất tuân dân sự này ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền. Dù cuộc chiến pháp lý giữa các tập đoàn thuốc và người tiêu dùng còn tiếp diễn, nhưng hàng loạt tiểu bang đã mặc cả với các hãng thuốc để giảm giá cho người nghèo hay nới lỏng quy định nhập khẩu thuốc.

Về hoạt động vận động hành lang:

Hoạt động vận động hành lang (lobby) đã và đang trở thành một thứ văn hóa chính trị ở Mỹ. Khi “lobby” đã trở thành một phần không thể thiếu của nền chính trị Mỹ, thì tất cả những ai muốn gây ảnh hưởng đối với dư luận hay đến việc hoạch định chính sách của Mỹ đều phải tuân thủ quy luật này. Hoạt động lobby, vì thế, đã thâm nhập vào toàn bộ các lĩnh vực và các ngành sản xuất, kinh doanh tại Mỹ.

Về mặt lý thuyết và nguyên tắc, vận động hành lang là nhằm làm cho hệ thống làm luật và thi hành luật đáp ứng lợi ích của người tiến hành vận động hành lang. Các hoạt động vận động hành lang được tiến hành theo quy trình: các nhóm vận động hành lang Quốc hội phải đăng ký vào cơ sở dữ liệu trung ương và sau đó những người làm lobby tham gia một phiên họp điều trần của các nhà lập pháp để nghe báo cáo, những chất vấn chính thức và không chính thức với các quan chức nhà nước được bầu hay bổ nhiệm. Sau đó, họ gửi những kết quả nghiên cứu hay thông tin kỹ thuật tới các quan chức có liên quan, tìm cách quảng bá một chủ đề, soạn thảo những dự luật có khả năng được đệ trình, tổ chức chiến dịch viết thư gửi các nhà làm luật… Sau khi tiếp xúc với những người làm lobby, các nghị sĩ Quốc hội có thể đệ trình các dự luật theo yêu cầu của họ.

Nhưng mặt khác, điều không thể phủ nhận là vận động phải có năng lực tài chính để chi trả cho hoạt động điều tra, thu thập thông tin và tác động. Thực tế hiện nay, tại Mỹ, trong nền chính trị hiện đại, lobby chính là việc dùng thế lực tiền bạc để vận động và làm áp lực để Quốc hội, hoặc các cơ quan nhà nước hành động theo chiều hướng phục vụ quyền lợi của các nhóm lợi ích. Nhưng, đồng tiền khi dính với quyền lực chính trị sẽ dẫn đến nguy cơ bè đảng, “cướp đi” cơ hội của những nhóm yếu thế quyền được có tiếng nói trong quá trình ra quyết định. Đây cũng là khe hở để các thế lực tài chính hùng mạnh có thể giành lợi thế trong các cuộc chạy đua vận động và bóp méo công lý.

Mỹ đã có nhiều văn bản pháp luật thừa nhận và quy định các hoạt động lobby. Đạo luật quan trọng nhất áp dụng cho hoạt động lobby ở Mỹ là Đạo luật vận động hành lang được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1946 (The Federal Regulation of Lobbying Act). Ngày 19/12/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký ban hành Đạo luật về Công khai hóa hoạt động lobby (Lobbying Disclosure Act of 1995) điều chỉnh các mối quan hệ trong và ngoài nước ở Mỹ. Tại đó, quy định: “Bắt buộc những người hoạt động lobby phải đăng ký, phải công khai hóa các khách hàng, các cuộc tiếp xúc, công khai hóa các vấn đề lobby và số tiền công được chi trả”. Luật này đã có những quy định hạn chế cho những người làm lobby. Chẳng hạn, Luật cấm các thượng nghị sỹ và nhân viên văn phòng thượng viện không được nhận quà hoặc chiêu đãi đáng giá trên 100 USD mỗi người mỗi năm, cấm không được tham dự những chuyến đi giải trí do tư nhân đài thọ. Như vậy, trên thực tế, lobby ở Mỹ đã và đang tồn tại như một loại hình kinh doanh mang tính chính trị - xã hội, có tác động mạnh mẽ vào quá trình hình thành chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ.

Đến những bài học cho Việt Nam

Từ những tư liệu trên, bước đầu có thể rút ra mấy vấn đề về nhóm lợi ích và vận động hành lang ở Mỹ, như sau:

Thứ nhất, công bằng đối với người Mỹ có nghĩa “sòng phẳng” nhiều hơn là “đúng” theo nghĩa đạo đức. Khi chính quyền Mỹ có áp lực từ Hiệp hội Thuỷ sản Mỹ (trực tiếp hay gián tiếp qua các dân biểu của họ) và lấy lý do nào đó để ngăn chặn một nước đưa tôm, cá vào Mỹ, mà nước xuất khẩu không có tiếng nói và một phần lực mạnh mẽ thì phải chấp nhận “thiệt thòi”. Nguyên tắc này áp dụng cho cả người Mỹ với nhau.

Thứ hai, hoạt động lobby ở Mỹ tuy là công khai, nhưng giá trị chính lại nằm ở những hoạt động “hậu trường”, vì các cuộc gặp gỡ giữa chính phủ và chính phủ thường có giá trị rất giới hạn. Các chính khách khi gặp nhau thường phải giữ kẽ, phải theo bài và không quan chức nào muốn xem là vì áp lực trực tiếp của một chính phủ khác mà phải thay đổi chính sách. Cho nên, những nước “khôn khéo” phải biết thương lượng, dàn xếp mọi vấn đề với Mỹ trước khi gặp nhau để chính thức hoá.

Thứ ba, phải tìm hiểu thấu đáo hệ thống quyền lực chính trị ở Mỹ. Chúng ta đều biết rằng, cơ quan quyền lực cao nhất và mạnh nhất ở Mỹ là Quốc hội - gồm Hạ viện với 435 dân biểu có nhiệm kỳ 2 năm và Thượng viện với 100 thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Ở Mỹ, Quốc hội thực sự là cánh cửa để doanh nghiệp, tập thể, hội đoàn tác động trực tiếp nhằm bảo vệ quyền lợi của họ.

Thứ tư, tại Mỹ, khi có xung đột quyền lợi thì một trong những nguyên tắc chính để tạo cân bằng là thương lượng. Khi hai bên không thể tự giải quyết ổn thoả thì mới đem nhau ra toà hay để cho phía thứ ba đứng ra giải quyết. Đây là giải pháp cuối cùng vì rất tốn chi phí và thời gian./.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thu Hằng (2000). Chính trị nội bộ Mỹ, cơ cấu và tác động đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại. Đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện Quan hệ quốc tế, tr.48.

2. Nguyễn Tuấn Minh (2004). Hệ thống chính trị Mỹ và vận động hành lang, Tạp chí châu Mỹ ngày nay, số 11/2004, tr. 43-49.

3. Phạm Thị Việt Hà (2006). Lobby trong nền chính trị Mỹ, Tạp chí nghiên cứu luật pháp, số 67/2006.

4. Phi Bằng (2000). Hai mươi năm thăm quan nước Mỹ , Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh, tr. 197.

5. Thomas R. Dye, The President White House politics, Politics in America, 2nd edition, prentice Hall, 1997 - p.412

TS. Trần Đăng Thịnh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 8/2013