Trong một vài tuần của năm 2008, khi khủng hoảng tín dụng bùng nổ, phố Wall dường như cũng sụp đổ theo. Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, Merrill Lynch phải sáp nhập với Bank of America. Tập đoàn bảo hiểm AIG và Citigroup phải nhận tiền cứu trợ và sự mục nát ngày càng lan rộng. Hank Paulson – Bộ trưởng Tài chính Mỹ vào lúc đó – nhớ lại: “Morgan Stanley và Goldman Sachs là những nạn nhân tiếp theo. Nếu như hai ngân hàng này sụp đổ, hệ thống tài chính sẽ bốc hơi nhanh chóng”.

Các chính trị gia châu Âu nhận thấy đây là sự trừng phạt xác đáng đối với chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel buộc tội các đồng minh ở Washington, cho rằng họ không quản lý các ngân hàng và quỹ đầu cơ một cách chặt chẽ. Các ngân hàng châu Âu cho rằng đây là cơ hội để vượt qua các ngân hàng Mỹ (vốn thống trị ngành tài chính quốc tế bấy lâu nay). Barclays nhanh chóng mua lại bộ phận hoạt động tại Mỹ của Lehman Brothers. CEO Bob Diamond gọi đây là “cơ hội tuyệt vời” để thâm nhập vào thị trường Mỹ. Deutsche Bank – người khổng lồ đến từ nước Đức – cũng mở rộng hoạt động để chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ Mỹ.

Tuy vậy, đã 5 năm trôi qua và giờ đây người ta đang chứng kiến sự hồi sinh của phố Wall. UBS và Credit Suisse, hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ và phát triển mạnh mẽ ở thời kỳ trước khủng hoảng, vẫn chứng kiến qui mô tài sản bị thu hẹp. Royal Bank of Scotland – từng lọt vào danh sách 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới - vẫn nằm trong sự bảo trợ của chính phủ Anh.

Thị phần mà các ngân hàng châu Âu nắm giữ đã giảm 1/5 kể từ khi khủng hoảng xảy ra với nhiều thị trường rơi vào tay các đối thủ đến từ nước Mỹ. Hiện nay, chỉ riêng JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Citigroup đã chiếm tới 1/3 doanh thu của ngành ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới. Hai ngân hàng Barclays và Deutsche Bank đã thành công trong việc thâm nhập thị trường Mỹ nhưng lại phải đối mặt với những qui định khắt khe ở quê nhà và có vẻ như sẽ không đạt được tham vọng vươn ra toàn cầu. Và, mặc dù HSBC đã có được những bước tiến vượt bậc, ngân hàng này vẫn đứng sau những ông lớn của phố Wall.

Ngân hàng Mỹ hồi sinh

Ngành ngân hàng đầu tư mà phố Wall thống trị giờ đây đã khác xa so với một thập kỷ trước. Doanh thu đã sụt giảm khoảng 100 tỷ USD (tương đương gần 1/3). Qui mô nhân sự cũng giảm mạnh (riêng London đã cắt giảm 100.000 nhân sự). Thù lao của ngành cũng giảm. Các qui định khắt khe hơn về vốn (trong đó có đạo luật Dodd - Frank) đe dọa sẽ khiến lợi nhuận của ngành này sụt giảm. Lợi nhuận cao chót vót dành cho các ngân hàng và những khoản tiền thưởng khổng lồ chỉ tồn tại trong quá khứ.

Một trong những lý do khiến các ngân hàng Mỹ làm tốt hơn là bởi họ đã xử lý các "vết thương" nhanh hơn. Cơ quan quản lý đã hành động rất nhanh chóng, buộc các ngân hàng giảm nợ xấu và nhanh chóng tăng vốn. Các ngân hàng không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng làm việc này cũng bị ép buộc phải tăng thêm vốn. Kết quả là, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã có lãi trở lại, trả nợ cho chính phủ và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Chính điều này giúp nền kinh tế hồi phục và sau đó lại giúp các ngân hàng giảm nợ xấu.

Ngược lại, các ngân hàng châu Âu vẫn đang tiếp tục co hẹp bảng cân đối kế toán và nằm trong vòng luẩn quẩn. Không có ngân hàng nào của khu vực eurozone có thể dành dụm được hơn 30 tỷ USD. Vốn trước đây một mực khẳng định không cần tăng vốn, cuối cùng thì Deutsche Bank cũng phải đối mặt với sự thực và tăng vốn thêm gần 3 tỷ euro.

Sai lầm chết người của châu Âu

Các nhà quản lý ở châu Âu cũng khiến góp phần khiến ngành ngân hàng của châu lục này sụt giảm. Thứ nhất, họ định rõ các ngân hàng có thể trả bao nhiêu tiền thưởng tương ứng với mức lương cơ bản. Thứ hai, họ đang cố gắng buộc các ngân hàng phải tăng thêm vốn và khiến chúng dễ dàng sụp đổ hơn khi tách biệt bộ phận ngân hàng bán lẻ ra khỏi hoạt động bán buôn.

Cách tiếp cận thứ nhất không hề khôn ngoan. Gắn tiền thưởng vào tiền lương cơ bản sẽ làm tăng chi phí cố định và khiến các ngân hàng không thể linh hoạt trong việc cắt giảm chi phí. Đồng thời, với qui định này, các ngân hàng châu Âu khó có thể cạnh tranh với các ngân hàng Mỹ hoặc châu Á - thị trường đang phát triển như vũ bão với các ngân hàng tìm đủ mọi cách để thu hút nhân tài.

Trong khi đó, cách tiếp cận thứ hai quá nhạy cảm. Thụy Sĩ và Anh đã đạt được những bước tiến trong việc chấm dứt chính sách hỗ trợ các ngân hàng "quá lớn để sụp đổ". Nền kinh tế Ireland sụp đổ là ví dụ xác đáng cảnh báo điều gì sẽ xảy ra nếu như chính phủ cảm thấy miễn cưỡng khi giải cứu các ngân hàng vốn đang phá hủy nền kinh tế.

Một số ngân hàng châu Âu cho rằng châu lục này cần phải giành chiến thắng trong ngành ngân hàng đầu tư. Cho đến nay, vẫn chưa thể xác định được liệu có phải các ngân hàng châu Âu được hưởng nhiều lợi lộc từ các ngân hàng vốn giỏi đóng gói và bán các khoản nợ dưới chuẩn của nước Mỹ hay không. Trên thực tế, những người nộp thuế và nhà đầu tư Mỹ mới chính là những người nên lo lắng về sự thống trị của một vài ngân hàng lớn trên phố Wall. Đây là bộ phận có nguy cơ phải nhận cứu trợ trong tương lai.

Các ông lớn trên phố Wall thì cho rằng họ đã bị trừng phạt bởi các qui định quốc tế mới yêu cầu các ngân hàng Mỹ phải có vốn lớn hơn so với các ngân hàng nhỏ. So với những đạo luật cồng kềnh rắc rối như Dodd - Frank, tăng vốn sẽ có hiệu quả hơn trong việc tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính.

Đã 5 năm trôi qua kể từ mùa hè đáng sợ năm 2008, các ngân hàng lớn của nước Mỹ đã quay trở lại và đó là một điều tốt lành. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể khiến phố Wall an toàn hơn.

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist