Song, Nye dường như cũng không giấu sự thất vọng khi cả hai quốc gia lớn, một là nhất về dân số và một là lớn nhất về lãnh thổ, cùng chưa hiểu (bù chũlái) về quyền lực mềm[1].

Cả Hồ Cẩm Đào và Putin đều thúc giục các nhà ngoại giao áp dụng quyền lực mềm một cách tích cực hơn


Quyền lực mềm của một quốc gia, theo Joseph S. Nye, trước hết nằm ở ba nguồn: văn hóa (văn hóa hấp dẫn được những người khác), giá trị về mặt chính trị (khi đất nước giữ những giá trị đó cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài) và chính sách đối ngoại (khi những chính sách này được coi là chính danh và có giá trị đạo đức). Nhưng, liên kết những nguồn lực này thành một khối không phải là công việc dễ dàng.

Việc thành lập Viện Khổng Tử ở Manila (Philippinnes) để dạy văn hóa Trung Quốc có thể giúp tạo ra quyền lực mềm, nhưng dường như sẽ khó lòng đạt được mục đích này khi Trung Quốc hăm dọa Philippinnes về quyền sở hữu dải đá ngầm Scarborough.

Tương tự như thế, Putin bảo các nhà ngoại giao của mình rằng “chuyển ưu tiên sang sử dụng quyền lực mềm, tăng cường vị trí của tiếng Nga” nhưng ông Sergei Karaganov, một nhà khoa học Nga, lại nói rằng sau cuộc tranh cãi với Georgia, Nga đã sử dụng “quyền lực cứng, trong đó có sức mạnh quân sự, vì nước này sống trong một thế giới nguy hiểm hơn nhiều… và vì nước này có ít quyền lực mềm – nghĩa là có ít sự hấp dẫn về xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế.”

Trong khi phần lớn quyền lực mềm của Mỹ là do xã hội dân sự chứ không phải chính phủ Mỹ tạo ra, đấy là các trường đại học và các quỹ, Hollywood và văn hóa đại chúng. Đôi khi nước Mỹ còn giữ được một phần sức mạnh mềm của mình là nhờ có một xã hội dân sự có thái độ phê phán và không bị kiểm duyệt, mặc dù hành động của chính phủ xói mòn nó (thí dụ như cuộc chiến Iraq). Nhưng, chiến lược khôn ngoan phải là phải kết hợp tối ưu giữa quyền lực cứng và mềm để chúng hỗ trợ lẫn nhau.

Ngược lại, Trung Quốc và Nga đã lầm khi nghĩ rằng, nhà nước là công cụ chủ yếu của quyền lực mềm. Trong thế giới hiện nay, thông tin thì thừa, nhưng chú ý lại thiếu. Mà muốn được người ta chú ý thì phải khả tín. Tuyên truyền tốt nhất là không tuyên truyền gì cả (Nye, 2013).

Quan điểm của ông Nye là rằng quyền lực mềm có xuất xứ chủ yếu từ các cá nhân, từ khu vực tư nhân, và từ xã hội dân sự. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc tìm cách quảng bá những thần tượng của nền văn hóa cổ đại, họ nghĩ rằng những hình tượng đó có thể tạo được sức hấp dẫn trên toàn thế giới. Nhưng quyền lực mềm không hoạt động theo cách ấy. Như ông Pang Zhongying ở trường Đại học Nhân dân (Renmin University) nhận xét, điều đó chứng tỏ “sự nghèo nàn trong tư duy”.

Sự phát triển của quyền lực mềm không cần phải là một trò chơi có tổng bằng không. Tất cả các nước đều được lợi nếu thấy rằng họ là những nước có sức hấp dẫn lẫn nhau. Nhưng muốn thành công, thì trong chính sách, Nga và Trung Quốc phải có lời nói đi đôi với việc làm, phải có thái độ tự phê bình và giải phóng toàn bộ tài năng của những xã hội dân sự của chính họ. Đáng tiếc là chuyện này sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Theo tổng hợp của DHVP


[1] Joseph S. Nye, “What China and Russia Don’t Get About Soft Power”. Foreigh Policy, 29/4/2013. Nội dung tiếng Việt có tham khảo bản dịch của Phạm Nguyên Trường