Theo ước tính của Moody’s Investment Services, bằng cách dùng nợ thay vì dùng tiền mặt để tài trợ cho việc mua lại 55 tỷ USD cổ phiếu quỹ, Apple đã tránh được 9,2 tỷ USD tiền thuế.

Chuyên gia đến từ Moody’s nhận định dựa trên lãi suất hiện nay, Apple sẽ trả lãi suất vào khoảng 308 triệu USD/năm cho số trái phiếu trị giá 17 tỷ USD vừa phát hành.

Trong khi đó, nếu Apple không phát hành nợ mà dùng đến một phần trong núi tiền mặt 100 tỷ USD ở nước ngoài, nhà sản xuất iPhone có thể sẽ phải nộp thuế với mức thuế suất 35%. Đồng thời, Apple còn có thể tiết kiệm được 100 triệu USD mỗi năm bởi phần trả lãi cho trái phiếu là khoản mục được khấu trừ thuế.

Theo người phát ngôn của Apple Steve Dowling, trong năm tài khóa 2012, Apple nộp cho cơ quan thuế liên bang khoản thuế thu nhập doanh nghiệp trị giá 6 tỷ USD. Điều này khiến Apple trở thành một trong những công ty đóng thuế nhiều nhất nước Mỹ.

Phát biểu trong cuộc hội thảo diễn ra hôm 23/4, Peter Oppenheimer - Giám đốc tài chính của Apple – cho biết việc tài trợ bằng nợ có thể đem về rất nhiều lợi ích như khả năng tiếp cận với nguồn vốn có giá hấp dẫn, giảm chi phí vốn và khiến đòn bẩy tài chính trở nên hiệu quả hơn.

Hôm 30/4, “quả táo cắn dở” vừa bán thành công số trái phiếu trị giá 17 tỷ USD. Apple phát hành trái phiếu có lãi suất cố định với các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm và 30 năm. Ngoài ra còn có trái phiếu lãi suất thả nổi kỳ hạn 3 năm và 5 năm.

Như vậy, Apple đã lập một vài kỷ lục trên phạm vi công ty. Hãng vừa vượt qua ExxonMobil và lấy lại vị trí công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Kế hoạch chi trả tiền mặt được tài trợ bởi đợt phát hành trái phiếu này cũng bao gồm kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ trị giá 60 tỷ USD – lớn nhất trong lịch sử. Và, năm ngoái, Apple cũng gia nhập vào hàng ngũ các công ty có giá trị chiếm hơn 4% tổng giá trị của các công ty trong chỉ số S&P 500.

Thiên Bình

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg