Hội nghị kinh tế Á-Âu kêu gọi thiết lập trật tự kinh tế toàn cầu mới

Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Á-Âu (EES) lần thứ 20 đã khai mạc ngày 5/4 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với lời kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế toàn cầu mới theo hướng bảo vệ các nguyên tắc tự do thương mại và thịnh vượng của mỗi cá nhân.

Tại Hội nghị, nhiều diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án quy mô xuyên quốc gia nhằm cải thiện hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh này, tuyến đường sắt nối Baku-Tbilisi-Kars sắp hoàn thành đang nổi lên như một dự án trọng điểm kết nối châu Á với châu Âu. Tuyến đường này dự kiến chuyên chở 1 triệu hành khách và 6 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, và đến năm 2034, có thể chở 3 triệu hành khách và 17 triệu tấn hàng.

Hội nghị EES lần thứ 20, do Quỹ Marmara đăng cai tổ chức, thu hút sự tham dự của nhiều chính trị gia, học giả và các đại diện đến từ 40 quốc gia trên thế giới.

IMF thông qua khoản vay trị giá 1 tỷ USD giải ngân cho Ukraine

Ngày 3/4, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, ông David Lipton xác nhận IMF đã thông qua kế hoạch giải ngân khoản hỗ trợ tài chính trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine. Đây là khoản giải ngân nằm trong gói viện trợ bị trì hoãn từ tháng 8/2015, nâng tổng số tiền giải ngân trong gói hỗ trợ tài chính Ukraine lên khoảng 8,38 tỷ USD.

Trước đó cùng ngày, trên trang Facebook cá nhân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenk​o cũng khẳng định ban lãnh đạo IMF đã nhất trí về quyết định giải ngân trên. Ông Poroshenko nhấn mạnh, đó là minh chứng cho thấy các nỗ lực cải cách của Kiev đã được ghi nhận.

IMF bắt đầu đưa ra chương trình cứu trợ phục hồi kinh tế trị giá 17,5 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 3/2015.

EU bác bỏ đàm phán song song về Brexit và thương mại với Anh

Ngày 5/4, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về tiến trình Anh rời EU (hay còn gọi là Brexit) Michel Barnier tuyên bố việc tiến hành đàm phán song song về Brexit và mối quan hệ thương mại tương lai "là phương pháp tiếp cận mạo hiểm" mà ông nhất quyết tránh.

Ông Barnier khẳng định, Anh càng sớm nhất trí với các điều kiện Brexit thì nước này càng sớm có thể khởi động đàm phán về thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Tuần trước, Thủ tướng Anh Theresa May đã tìm kiếm các cuộc đàm phán cùng lúc về Brexit và mối quan hệ tương lai, trong khi Chủ tịch Hội đồng EU và các nhà lập pháp hàng đầu châu Âu đã bày tỏ phản đối.

Đàm phán Brexit được dự kiến khởi động cuối tháng 5 tới, khi các chỉ dẫn về đàm phán của 27 quốc gia thành viên EU được xác nhận để giao nhiệm vụ cho ông Barnier.

ASEAN tái cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực

Tại Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 3 ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 7/4, các đại biểu tham dự đã đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập và bình ổn thị trường tài chính trong khu vực, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng do chính sách bảo hộ và những biến động bất thường tiềm tàng.

Trong tuyên bố chung, đại biểu tham dự hội nghị cam kết sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi các mục tiêu của ASEAN trong việc tạo dựng "một nền kinh tế gắn kết, hợp nhất cao" có tính cạnh tranh, giàu sức sáng tạo vằ năng động thông qua cơ chế hợp tác toàn khu vực.

Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu nhấn mạnh giải pháp sống còn là biến ASEAN trở thành khu vực vững mạnh, lấy con người làm trung tâm, lấy con người làm định hướng, kết nối với toàn bộ thế giới trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự gia tăng các vấn đề địa chính trị có thể khiến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu đi lệch quỹ đạo.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương ASEAN cũng cam kết tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2025 với mục tiêu thiết lập một thị trường vốn liên kết, vững mạnh của khu vực và đảm bảo phát triển hiệu quả các sáng kiến Trái phiếu Xanh (Green Bond)./.