Trong "Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu”, IMF dự báo tình trạng tăng trưởng chậm và mức lãi suất thấp có thể sẽ tiếp diễn tại một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là tại các nước có dân số già và mức tăng trưởng sản xuất thấp.

IMF cho rằng, việc duy trì môi trường lãi suất thấp trong thời gian dài có thể sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các thể chế tài chính, tạo ra những thay đổi quan trọng đối với các mô hình kinh doanh, như: ngân hàng, bảo hiểm, quỹ hưu trí cũng như các sản phẩm khác của lĩnh vực tài chính.

Theo bản báo cáo, các thể chế tài chính sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái trong môi trường lãi suất thấp do các ngân hàng khó có thể hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm và tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của hộ gia đình sụt giảm tại các nước có dân số già và mức tăng trưởng sản xuất thấp.

Các ngân hàng nhỏ có khả năng đứng trước nguy cơ sáp nhập hoặc phá sản trong khi các ngân hàng lớn sẽ có xu hướng phát triển ra nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới và mang lại nhiều lợi nhuận hơn tại các thị trường mới nổi.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí cũng sẽ đối mặt với nguy cơ giảm lợi nhuận và khả năng thanh khoản, có thể sẽ phải tăng vốn.

Trước đó trong tháng 2, Reuters đã dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho rằng, lãi suất thấp có thể gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới, đồng thời đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về ngày “lãnh hậu quả” từ các biện pháp nới lỏng tiền tệ quyết liệt mà các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang theo đuổi.

Thống đốc Haruhiko Kuroda

Hạ lãi suất xuống mức thấp, thậm chí siêu thấp trong suốt 10 năm qua là một chính sách bất thường đã được nhiều ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn như BOJ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)… thực thi, nhằm giúp đối phó với lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế ảm đạm và các tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2009.

Theo phân tích của ông Kuroda, mặc dù động thái giới hạn lãi suất là rất cần thiết để tăng trưởng phục hồi, nhưng lãi suất giảm đã tác động tới lợi nhuận của các tổ chức tín dụng do biên lợi nhuận bị thu hẹp. Trong khi đó, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, các hình thức lãi suất thấp tại các tổ chức tài chính đã làm xuất hiện thêm một thách thức mới. Thống đốc BoJ cho biết, đó là sự trỗi dậy của các hệ thống tài chính ngầm và sự phát triển của các công nghệ tài chính mới đang tạo ra nhiều thay đổi lớn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Trước tình trạng trên, IMF kêu gọi các nước đơn giản hóa thủ tục hợp nhất hoặc giải thể các doanh nghiệp thua lỗ, hạn chế khuyến khích các ngân hàng đầu tư tài chính mạo hiểm.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần siết chặt các biện pháp giám sát để đảm bảo sự ổn định lâu dài thay vì nới lỏng quy định để giảm nhẹ những “cơn đau” ngắn hạn./.

Nguồn tham khảo:

IMF (2017). Global Financial Stability Report, April 2017, Analytical Chapters

http://www.reuters.com/article/us-japan-economy-boj-kuroda-idUSKBN15V06U