IMF kêu gọi cải cách thuế để tăng năng suất

Trong bản báo cáo “Giám sát tài chính” công bố ngày 11/3, IMF cho biết các đề xuất chính sách kém hiệu quả như những ưu đãi thuế dựa vào quy mô hoặc hình thức đầu tư, cũng như việc thực thi không đầy đủ chính sách thuế và áp thuế đối với một số mặt hàng cụ thể, đã hạn chế tăng năng suất.

Theo IMF, tình trạng quản lý thu thuế yếu kém, dẫn đến các hành vi trốn thuế, không những gây thất thu cho ngân sách quốc gia, mà còn ảnh hưởng tới năng suất. Việc loại bỏ các rào cản nêu trên sẽ giúp tăng thêm 1 điểm phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế hàng năm trong 20 năm tới.

IMF đề xuất giới chức các nước cần nỗ lực giảm thiểu các biện pháp xử lý thuế khác nhau giữa tài sản và tài chính, cũng như tạo sân chơi cho các công ty để khuyến khích tăng năng suất của doanh nghiệp.

Báo cáo của IMF còn nhấn mạnh, những ưu tiên cải cách thuế đối với mỗi quốc gia sẽ cần tính đến tác động đối với năng suất, cũng như các mục tiêu khác của chính phủ, bao gồm cả việc phân bổ ngân sách và huy động nguồn thu tốt hơn.

Hàn Quốc thông báo đóng băng lãi suất cơ sở ở mức thấp kỷ lục

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 13/4 thông báo đóng băng lãi suất cơ sở ở mức thấp kỷ lục 1,25% mặc dù nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu này có những dấu hiệu tích cực.

Thống đốc BOK Lee Ju-yeol và 6 thành viên điều hành chính sách của ngân hàng này đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất mua lại kỳ hạn 7 ngày áp dụng từ tháng 6/2016. Động thái này đúng như dự đoán của thị trường.

Cùng ngày 13/4, BOK đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay từ mức 2,5% đưa ra cách đây 3 tháng lên 2,6%. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm BOK điều chỉnh dự báo tăng trưởng.

Viện trợ ODA từ các nước công nghiệp tăng gần 9% trong năm 2016

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 11/4, các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ các nước công nghiệp cung cấp đã tăng 8,9% trong năm 2016, đạt 142,6 tỷ USD, chủ yếu là do gia tăng hỗ trợ dành cho người tị nạn.

Cụ thể, số tiền chi cho hỗ trợ người tị nạn đã tăng 27,5%, từ mức 12,1 tỷ USD lên 15,4 tỷ USD. Đáng chú ý, ngay cả khi không tính đến khoản tiền dành cho người tị nạn này, ODA vẫn ghi nhận gia tăng 7,1%, gấp đôi kể từ năm 2000.

Tuy nhiên, báo cáo của OECD cũng cho thấy "viện trợ song phương dành cho nhóm các nước kém phát triển đạt 24 tỷ USD trong năm 2016, giảm 3,9%," so với năm 2015.

Ngân hàng Pháp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý I

Ngân hàng trung ương Pháp ngày 10/4 đã điều chỉnh và hạ dự báo tăng trưởng trong quý I/2017 xuống 0,3%, giảm nhẹ so với mức dự báo đưa ra ngày 9/3, do trong tháng 3 khu vực sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn tháng 2.

Dự báo của Ngân hàng trung ương Pháp được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát về tình hình sản xuất và kinh doanh thông qua các cuộc gặp làm việc với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không trầm trọng và không ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả năm 2017.

Ngân hàng Trung ương Pháp cũng dự báo, kinh tế Pháp năm 2017 sẽ tăng trưởng 1,3%, cao hơn so với mức tăng 1,1% trong năm 2016. Mức dự báo này của BdF thấp hơn so với con số dự báo (+1,5%) mà Chính phủ Pháp đưa ra trước đó./.