Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 17/4 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 6,9% trong quý I/2017 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo tăng 6,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Trong đó, đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 9,2%, cao hơn mức 8,1% của năm 2016. Doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 10,9% và sản lượng công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các chỉ số này đều cao hơn dự báo.

Doanh số bán lẻ đã thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng

“Lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc khởi đầu năm mới với GDP tăng trưởng khá tốt”, Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ nhận định.

Số liệu mới nhất đã giúp củng cố những dấu hiệu về đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang chuyển sang chính sách tiền tệ trung lập hơn nhằm giảm bớt các rủi ro đe dọa hệ thống tài chính, cũng như giảm tình trạng công suất dư thừa. Bên cạnh đó, bất chấp các biện pháp thắt chặt thị trường bất động sản gần đây của Trung Quốc, xung lực đầu tư ở nước này có thể duy trì ở mức cao trong những tháng tới nhờ hoạt động đầu tư mạnh vào lĩnh vực cơ sở vật chất hạ tầng.

Trước đó, hôm 1/4, Chính phủ Trung Quốc ĐÃ tuyên bố thành lập đặc khu kinh tế mới mang tên Xiongan. Siêu dự án này được nhận định là sẽ kéo theo khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực xây dựng và là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục muốn dựa vào đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm nay, từ chỗ đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 6,5%-7% vào năm ngoái. Năm 2016, kinh tế Trung Quốc tăng 6,7%, mức tăng thấp nhất trong 26 năm. Mục tiêu của Bắc Kinh là tái cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa đã gặp phải nhiều phản đối lớn từ các công ty sản xuất lớn và dẫn đến cắt giảm nhân công - đặc biệt là các nhóm ngành nhà nước nhiều nhân công như ngành công nghiệp thép.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế Trung Quốc phát đi nhiều tín hiệu tốt. Tuy vậy, một số nhà phân tích vẫn cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể hụt hơi trong nửa sau của năm nay do tác dụng của các biện pháp kích cầu đuối dần và các địa phương của nước này tăng cường các biện pháp hạ “sốt” bất động sản./.