OECD kêu gọi đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ sản xuất nội địa có xu hướng trỗi dậy, OECD đã kêu gọi chính phủ các nước chủ động bảo vệ tự do thương mại bằng cách phát triển nền kinh tế toàn diện hơn.

Phát biểu tại hội nghị Câu lạc bộ kinh tế tổ chức tại Minnesota (Mỹ), Tổng Thư ký OECD Angel Gurria cho rằng "đã đến lúc cần chuyển từ phòng thủ sang tấn công" để đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Theo ông, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang phải đương đầu với những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008 gây ra. Điều đó cho thấy toàn cầu hóa vẫn chưa thực sự mang lại lợi ích cho tất cả, vì vậy các nền kinh tế cần hành động nhiều hơn nữa để khai thác lợi ích từ xu hướng này.

Ông đề xuất các biện pháp như tăng cường đào tạo kỹ năng, kiến tạo việc làm và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để mỗi nền kinh tế đều có thể thích ứng với những thay đổi mà toàn cầu hóa mang lại.

Tổng thống Mỹ ký một loạt sắc lệnh nhằm hồi sinh nền kinh tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/4 đã ký các sắc lệnh hành pháp yêu cầu xem xét lại các quy định tài chính, đặt nền tảng cho điều mà ông gọi là "sự hồi sinh kinh tế vĩ đại".

Một sắc lệnh quan trọng trong số đó yêu cầu việc xem xét trong sáu tháng đối với các nội dung cốt lõi trong Đạo luật Dodd-Frank được người tiền nhiệm Barack Obama ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với việc tăng cường giám sát các tập đoàn tài chính của Mỹ thuộc diện quá lớn để phá sản.

Một sắc lệnh khác yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xem xét điều khoản về đóng cửa có trật tự các công ty bị tịch biên tài sản và liệu gắn với luật phá sản có hiệu quả hơn không.

Sắc lệnh thứ ba yêu cầu ông Mnuchin xem xét đơn giản hóa các quy định về thuế của Mỹ để đưa vào các cải cách nhằm giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp.

Ông Trump nói nước Mỹ đang trong quá trình xây dựng lại và đang thực hiện các bước nhằm làm cho nền kinh tế công bằng hơn và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

IMF hối thúc đạt thỏa thuận về giải ngân khoản vay mới cho Hy Lạp

Ngày 21/4, Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Paul Thomsen tuyên bố cần khẩn cấp đạt được một thỏa thuận về chương trình cho vay đối với Hy Lạp, tuy nhiên vẫn cần các cam kết từ phía Athens về cải cách và giảm nợ.

Theo ông Thomsen, các bên tham gia cứu trợ Hy Lạp cần nhanh chóng kết thúc các cuộc thảo luận, bởi tiến trình đàm phán kéo dài đang gây thiệt hại cho kinh tế Hy Lạp.

Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp, IMF và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã kéo dài nhiều tháng, trong khi Athens cần một khoản giải ngân mới để trả khoản nợ đáo hạn vào tháng Bảy tới.

Bất chấp sức ép từ Đức, IMF cho đến nay vẫn từ chối tham gia chương trình cho vay 86 tỷ euro mà Eurozone thỏa thuận với Hy Lạp giữa năm 2015, chương trình thứ 3 kể từ năm 2010, chủ yếu liên quan đến khả năng trả nợ của Hy Lạp.

Triều Tiên tăng cường hợp tác với Nga để đối phó lệnh trừng phạt

Ngày 22/4, Triều Tiên đã kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế với Turkmenistan và vùng Viễn Đông của Nga, trong nỗ lực đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Bình Nhưỡng.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết một phái đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Triều Tiên gần đây đã thăm Turkmenistan.

Hai bên đã bàn thảo các vấn đề thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Triều Tiên-Turkmenistan, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Cũng theo KCNA, các quan chức Triều Tiên cũng đã thăm vùng Viễn Đông của Nga và gặp các quan chức tại đây để thảo luận về việc tăng cường hợp tác khu vực./.