Tăng trưởng kinh tế trong hai tháng đầu năm 2013 giảm mạnh đã khiến người dân Nga lo ngại. Vì thế, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Sergei Ignatiev khẳng định sẽ “không loại trừ” việc lãi suất giảm nếu đạt được mục tiêu lạm phát.

Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, nguyên Bộ trưởng Kinh tế Elvira Nabiullina, lại ủng hộ việc giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng, và phát biểu hôm qua tại buổi điều trần quốc hội cho thấy rằng bà sẵn sàng đáp ứng mong muốn của chính phủ nhằm hạ mức lãi suất ngân hàng.

Theo hãng tin Reuters, khi được hỏi liệu tập trung vào vấn đề lạm phát là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương, bà cho biết: “Nhiệm vụ của Ngân hàng trung ương là tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, phối hợp thực hiện cùng chính phủ.”

Ông Ignatiev bày tỏ ý kiến trước một hội nghị ngân hàng ở Moscow rằng, mặc dù lạm phát hiện tại khoảng 7% - vẫn cao hơn mục tiêu 5-6% của ngân hàng, nhưng ông có thể hỗ trợ giảm lãi nếu lạm phát giảm. “Cho đến nay điều này vẫn chưa xảy ra, nhưng tôi hy vọng tương lai chúng ta có thể làm được”, ông nói.

Số liệu tăng trưởng hàng tháng đang khiến chính phủ lo lắng. Thống kê ban đầu mà Bộ kinh tế đưa ra cho thấy tăng trưởng GDP tháng 2 gần như bằng 0 - giảm mạnh từ con số ít ỏi 1,6% của tháng giêng, đánh dấu sự suy thoái trong 5 quý liên tiếp.

Igor Shuvalov, Phó thủ tướng thứ nhất, đã kêu gọi giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng khẳng định ông muốn thấy tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 5%, so với 3,4% năm 2012.

Ignatiev cho biết ông phản đối chính sách nới lỏng vì số liệu thất nghiệp mới đưa ra cho thấy nền kinh tế đang hoạt động sát nút với khả năng sản xuất của nó. “Tình trạng thị trường lao động khá ổn, do đó không cần thiết phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng”, ông tin tưởng.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Nga duy trì 5,3% trong tháng 1 và 2, gần như là mức thấp nhất trong thời kì hậu Cộng sản. Theo lý thuyết kinh tế, kích thích một nền kinh tế đã tận dụng hết mọi khả năng có thể của nó sẽ gây ra lạm phát thay vì tăng trưởng.